Quẩn quanh, tay chống cằm ngồi nhìn ra vườn cọ hoang tàn, chợt
có vị khách xồng xộc đến, ông Vẽ dò dẫm đứng lên, dụi mắt. Hóa ra, bà cụ hàng
xóm, người cùng tuổi với ông Vẽ, lại vừa chết lúc ban trưa. Cán bộ xóm người ta
đi thu tiền “gạo nước”, mỗi hộ đóng 10 nghìn đồng, thôi thì, nghĩa tử là nghĩa
tận. Ông Vẽ ở một mình, nghèo quá là nghèo, run run tìm ruột tượng giữ tiền đem
ra nộp, tôi nhanh tay móc tiền ra trước, ông Vẽ cằn nhằn, lần nào anh đến cũng
cứ cho tôi tiền. “Anh còn để tiền mà tàu xe tìm lối về Hà Nội chứ”. Ông lẩm bẩm,
“Hôm nào đó lại đến lượt tôi về với cõi của các cụ. Sống thì lâu, chết thì nó
nhanh lắm, vừa chết đấy, lại đến giỗ đầu ngay đấy”. Cái hành trình ông tìm về
quê, cũng cứ như là từ âm ty tìm về dương thế ấy. Ông kể chuyện, bằng cái giọng
của thầy cúng luyện âm binh. Như bố ông, ngày xưa, cùng con nhang đệ tử cắn lưỡi
mình đứt từng miếng nhỏ, phun máu phì phì ra giấy bản để “bắt quyết niệm chú”…
|
Sau 30 năm trở về, cùng với việc bỏ bát nhang thờ mình ra khỏi ban thờ,
người thân, không phải ai cũng nhận ra cậu bé Vẽ 6 tuổi được người ta mặc cho bộ quần áo,
đưa cho cái bánh rồi dắt đi năm xưa
(trong ảnh, từ trái sang: ông Vẽ, hai vợ chồng người anh trai ruột của ông). |
Phải cưới
vợ để có thêm người làm cho… nhà địa chủ!
Thấy tôi đến tuổi… có thể lấy vợ được, bà Tư Hồ bèn tính chuyện cưới vợ
cho tôi để có thêm người ở. Giống như tôi bị bắt cưới vợ. Ông bà ấy bảo: Tối,
mày đến gặp tao, tao nói cho mày biết chuyện này. Tối tôi vào, bà bảo: Mai, mày
ăn mặc cho tử tế, tao đưa đi xem mặt một người. Tôi chả hiểu gì. Đến nơi, chả
kịp nhìn mặt, chả biết mình có thích nói chuyện với “cô kia” không, ông bà hạ
lệnh cưới luôn. “Vợ mày đấy, phải thương yêu nhau, bảo ban nhau làm ăn cho… đến
nơi đến chốn”. Lúc ra đồng làm quần quật, tôi gọi vợ tôi là “chị Bằng”, chị
Bằng gọi tôi là Vẽ, trống không. Có hôm rét, tôi xuống nhà, chị ấy trông thấy
tôi, xấu hổ quay mặt đi. Chị cũng chả biết “thích” (yêu đương hay quan hệ tình
dục) tôi, tôi cũng chưa biết “thích”, tôi bèn xuống lò trấu dưới bếp ngủ cho
ấm. Trước lúc vào bộ đội, tôi bảo: “Chị ở nhà, tôi đi!”. Lúc tôi trở về, chị
vẫn là “con dâu”, con ở cho nhà ông Tham Hồ. Nhà “chị” Bằng rất nghèo, bố đau
yếu, sau này, vì nhiều chuyện rích rắc, chúng tôi hầu như không đi lại nữa dù
vẫn thương xót và tôn trọng nhau, bà ấy có đi bước nữa, có con cái đàng hoàng.