Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

Nhân rộng cánh đồng mẫu lớn ở huyện Cẩm Khê

Sau khi Dự án “Nông nghiệp cận đô thị gắn với sản xuất lúa chất lượng cao giai đoạn 2013 – 2015” kết thúc, từ diện tích dự án mô hình cánh đồng mẫu lớn 120ha ở 2 xã Hiền Đa và Tình Cương, đến nay diện tích cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa lai, lúa chất lượng cao trên địa bàn huyện Cẩm Khê đã mở rộng lên đến 900ha với nhiều giống lúa như: Nhị ưu số 7, Nhị ưu 838, CT 16, HT số 1, Thiên ưu 8, JO2,...


Mô hình cánh đồng mẫu lớn đã hình thành được vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, từng bước thay đổi được tư duy của người nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tập quán canh tác cũ, lạc hậu. Người nông dân đã áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, trên nguyên tắc 3 cùng “cùng trà, cùng giống và cùng phương pháp canh tác”, kết quả sản xuất được cải thiện, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Ông Trần Văn Tiến, Trưởng khu Thạch Đê, xã Hiền Đa cho biết: Mô hình cánh đồng mẫu lớn đã đưa được bộ giống lúa thuần chất lượng cao Hương Thơm số 1 và Thiên ưu 8 vào sản xuất. Đây là những giống lúa thuần có năng suất cao, chất lượng tốt, sinh trưởng nhanh, kháng bệnh, cứng cây chống đổ, thay thế các giống lúa cũ, như Khang dân 18, Khang dân đột biến,... đang dần bị thoái hóa, có năng suất thấp, chất lượng gạo kém, dễ nhiễm sâu bệnh và chống chịu kém với các điều kiện bất thuận của thời tiết.
Trong mô hình cánh đồng lớn có sự chỉ đạo tập trung, đưa cơ giới vào sản xuất, giảm chi phí nhân công, giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cây lúa sinh trưởng phát triển tốt hơn… góp phần tăng năng suất, tăng giá trị và hiệu quả trên một đơn vị diện tích. Phát huy vai trò của các HTX, các tổ hợp tác thực hiện các khâu dịch vụ sản xuất, như: Làm đất, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch… Kết quả thực tế năng suất mô hình cánh đồng mẫu lớn cao hơn so với năng suất lúa ngoài mô hình và năng suất lúa bình quân toàn huyện, vụ chiêm xuân năng suất bình quân đạt 65 – 67 tạ/ha, vụ mùa năng suất bình quân đạt 54 – 56 tạ/ha.
Tuy nhiên để nhân rộng diện tích cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn huyện còn gặp phải nhiều khó khăn. Nhiều diện tích trong mô hình còn manh mún, nhỏ lẻ nhiều thửa ruộng, nhiều hộ nông dân tham gia, nên khó khăn trong công tác quy hoạch vùng sản xuất, áp dụng đồng bộ quy trình kỹ thuật, cơ giới hóa. Công tác chỉ đạo ở cơ sở còn chưa tập trung, quyết liệt. Sự liên kết giữa các hộ dân trong sản xuất nông nghiệp còn chưa chặt chẽ; chưa hình thành được mối liên kết giữa các doanh nghiệp và người nông dân nên việc tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Trình độ hiểu biết, tiếp thu về kiến thức khoa học kỹ thuật nông nghiệp còn hạn chế và thụ động trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, vẫn quen với tập quán canh tác cũ.
Bà Trần Thị Thu Hưởng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Cẩm Khê cho biết: “Xây dựng cánh đồng mẫu lớn là cách làm tốt là xu thế tất yếu, hướng tới một nền sản xuất theo hướng hàng hóa, phù hợp với chủ trương xây dựng nông thôn mới của các địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả của sản xuất và nâng cao thu nhập cho người nông dân, nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong thị trường nông sản phẩm hiện nay và mai sau”.
Dù còn mới mẻ và bước đầu triển khai còn khó khăn, nhưng với những kinh nghiệm của một số địa phương đi trước, lại được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc của các doanh nghiệp trong khâu cung ứng đầu vào, thu mua tiêu thụ sản phẩm đầu ra, nhất định mô hình “cánh đồng mẫu lớn” sẽ mang lại kết quả cao và trở thành phong trào rộng khắp trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Cẩm Khê trong thời gian tới.

HỒNG HIÊN (Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Khê)

Không có nhận xét nào: