Thứ Tư, 21 tháng 6, 2017

“Trâu sắt” trên những cánh đồng

Cơ giới hóa đang được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các khâu trên địa bàn huyện, trong đó khâu làm đất cấy được ứng dụng cơ giới mạnh nhất. Đến nay, hầu như tất cả các địa phương trên địa bàn huyện đều đã sử dụng máy làm đất thay cho trâu bò cày kéo trước kia. Rõ ràng những chú “trâu sắt” đang dần thay thế những chú trâu bằng xương bằng thịt, cùng với đó một nền nông nghiệp lạc hậu với hình ảnh tiêu biểu “con trâu đi trước, cái cày theo sau” cũng đang lùi vào dĩ vãng.


Có mặt trên cánh đồng xã Hiền Đa, mới thực sự cảm nhận hết không khí khẩn trương của người nông dân khi vào vụ. Mới từ mờ sáng đã rộn vang tiếng máy làm đất như thúc giục người dân mau ra đồng. Những chiếc máy Bông sen bánh lồng đang phăm phăm quần thảo trên những mảnh ruộng ăm ắp nước. Sau gần một tiếng đồng hồ thửa ruộng rộng gần 4 sào đã được cày bừa phẳng phiu chờ người xuống cấy. Chiếc máy lại từ từ bò sang thửa ruộng khác để tiếp tục công việc của mình, chăm chỉ, cần mẫn như bản chất xưa nay của những “chú trâu”.
Anh Nguyễn Văn Dũng chủ của một chiếc máy làm đất cho biết: Do gia đình anh làm diện tích ruộng lớn, cách đây gần 2 năm anh đã mua một chiếc máy làm đất để thay trâu, bò cày kéo vừa vất vả mà năng suất lao động lại thấp. Từ khi mua máy làm đất chẳng những phục vụ trong gia đình mà anh còn cày bừa dịch vụ cho các hộ bên cạnh đem lại thêm khoản thu nhập khá. Hiện nay, anh đã đầu tư thêm 1 chiếc máy làm đất nữa để đi làm dịch vụ cày bừa, mỗi vụ hai chiếc máy làm được khoảng 40 mẫu đất, trừ chi phí còn lợi nhuận được gần 20 triệu đồng. Cũng theo anh Dũng, bây giờ toàn bộ xã Hiền Đa làm đất bằng máy, không còn sử dụng trâu, bò cày kéo nữa.
Hiện nay, nhiều người đã mạnh dạn đầu tư những chiếc máy làm đất hiện đại hơn, chủ yếu là máy Kobuta do Nhật Bản sản xuất với mức giá từ 120 – 130 triệu đồng/chiếc. Được tận mắt chứng kiến dàn máy Kobuta đang làm đất tại xã Phương Xá, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng bởi sự linh hoạt và tốc độ làm việc của những chiếc máy này. Tất cả những thửa ruộng cao, thấp, to, nhỏ chiếc máy đều tác nghiệp được, đặc biệt tại những góc ruộng máy đều cày bừa được hết, khắc phục tình trạng bỏ trống góc ruộng như cày trâu hay máy Bông sen gặp phải.
Hiện nay, giá dịch vụ cày bừa bằng máy là 130.000 đ/sào, với mức giá này người dân hoàn toàn chấp nhận được. Bởi lẽ, làm đất bằng máy vừa nhanh mà đồng ruộng lại phẳng, nhuyễn dễ cấy, người lao động bớt được công đoạn nặng nhọc nhất trong canh tác lúa. Về phía các chủ máy nếu nhận được nhiều việc, thì chỉ sau 3 vụ là có thể thu hồi vốn và từng bước có lãi.
Nhìn vào bức tranh nông nghiệp huyện nhà từ góc độ ứng dụng cơ giới hóa cũng đủ thấy ngành nông nghiệp đang có những bước chuyển biến tích cực, chỉ sau thời gian ngắn tỷ lệ máy móc cơ giới đã tăng nhanh. Tuy nhiên, việc ứng dụng cơ giới hóa chưa đồng bộ, các máy nông nghiệp được mua sắm theo điều kiện và nhu cầu của từng hộ và chỉ tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, các công đoạn cấy, thu hoạch mặc dù đã có áp dụng nhưng chưa nhiều. Rất mong thời gian tới Nhà nước tiếp tục chương trình hỗ trợ nông dân mua máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp; góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở Cẩm Khê tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

HỒNG HẢI (Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Cẩm Khê)

Không có nhận xét nào: