Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

Việc làng

Quanh Bạch Hạc, thuộc Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Tây có rất nhiều làng cổ. Những làng cổ ra đời từ thế hệ thứ nhất trong tiến trình phát triển Làng Việt. Trong số ấy có nhiều làng hình thành từ sơ sử hoặc văn hoá tiền Hùng Vương phát triển liền mạch đến giờ. Dấu tích các niên đại khảo cổ học ở các làng đó chứng minh điều ấy. Các làng cổ này còn các tên nôm Thuần Việt một âm tiết với điểm tụ cư chưa gọi là Làng mà là các chạ, kẻ: Kẻ Quất, Kẻ Me, Kẻ Chẹo, hoặc Chạ Hoa, Chạ Trồi... Trước khi các điểm tụ cư gọi là Làng còn bị gọi là hương, giáp. Từ khi phải ghi tên Làng vào sổ Bộ thì người ta đổi tên nôm một âm tiết thành tên chữ Hán Việt với nguyên tắc chung giữ lấy thanh âm và ngữ nghĩa của tên gốc, thí dụ Kẻ Gáp gọi là làng Thạch Cáp. Kẻ Sỏi gọi là Làng Thạch Sơn, Gáp gọi là Thạch Cáp vừa đồng âm vừa có nghĩa là gặp, là làng mà giới sử học gọi là nơi gặp gỡ giữa phương Nam và phương Bắc, giữa văn hoá Lạc Việt và văn hóa Điền Hoa Hạ. Nơi ấy ở Tây Bắc Việt Trì từng xảy ra nhiều trận đánh lớn ở thời Trần thời Lê phá tan các đạo quân từ Vân Nam xuống.

Phát gạo từ thiện tại chùa Long Khánh, xã Tình Cương.

Qua khảo cổ, tên gọi, tục hèm cầu tế đến thần tích, truyền thuyết mà ngày nay ta có thể đoán định niên đại của nhiều làng. Các làng hình thành do từng nhóm cư dân tụ cư trên gò đồi hướng mặt xuống đầm bãi khai khẩn thành ruộng nước để trồng lúa. Do định canh cấy lúa mà người ta phải ở định cư thành làng. Người nông dân Việt Nam qua ngàn đời lấy “nông vi bản” nên sớm xác định phải “an cư lạc nghiệp”. Làng lúc đầu hình thành lên từ các nhóm cư dân đồng huyết, có thể buổi đầu theo dòng mẹ (nữ quyền) về sau là dòng cha (phụ quyền). Những gia đình bốn đời ở chung gọi là tứ đại đồng cư hoặc ngũ đại đồng đường, chung một từ đường thờ cụ tổ năm đời. Những làng hình thành từ một họ thường lấy tên họ đặt tên làng như làng Cao Xá (làng của họ Cao), Đinh Xá (họ Đinh), rồi Ngô Xá, Hoàng Xá, Đào Xá, Phùng Xá...
Làng càng ngày càng phát triển, có nhiều họ cùng sinh sống. Làng là điểm tụ cư chính, là những đơn vị kinh tế và văn hoá cơ sở của nước. Những câu nói: “Trong làng ngoài nước” hoặc “sống ở làng sang ở nước” để thấy làng rất quan trọng đối với mọi người. Người xưa khinh bỉ những kẻ bỏ làng, giang hồ tứ chiếng. Người nào vì bất mãn với gia đình họ mạc hoặc có tội với làng với nước phải bỏ làng đi thì phải sống “ngụ cư” ở nơi nào đó. Dân “ngụ cư” bị dân chính cư khinh bỉ. Họ bị chức dịch sách nhiễu, họ khốn khó đủ bề nếu không muốn mất họ thì phải làm con nuôi để sống dựa vào những nhà giàu có ở quê mới. ở nhiều làng dân “ngụ cư” chỉ được sống ngoài luỹ tre làng, ở khu bãi hoang hoặc xó rừng rậm. Sau ba đời nếu làm ăn giàu có mua được ngôi thứ mới được công nhận là dân chính cư để có mồm ăn mồm nói ở làng. Thái độ coi khinh người “ngụ cư” đã phần nào hạn chế tình trạng bất mãn bỏ làng của nhiều người. Các làng qua đó cũng đã sàng lọc phát huy đạo đức nhân cách và trách nhiệm với làng với nước ở các con dân của mình.
Lúc đầu triều đình lấy làng làm đơn vị cơ sở để đôn đốc phu lính, sưu thuế. Khi tổ chức cấp xã được ra đời thì xã là đơn vị hành chính cấp thấp nhất của triều đình. Thông thường mỗi làng là một xã. Nhưng do số đinh và số điền của triều đình quy định mà có khi 2, 3 làng gộp lại để thành một xã. Cũng có những làng lớn người đông, ruộng nhiều lại do bè cánh hương đảng, người ta rủ nhau xây đình để có trụ sở rồi làm đơn xin giải quy tách xã riêng. Vì thế nhiều làng có đến 3, 4 xã. Khi nhiều làng thành lập một  thì làng gọi là thôn (có nhiều thôn). Ngược lại khi làng có nhiều  thì lại gọi là thôn (làng có nhiều thôn). Mỗi còn gọi là mỗi dân.
Với người Việt thì làng quan trọng hơn xã. Mọi cái của làng đều được coi là của ta như chợ ta, đình làng ta, đồng làng ta, hội hè đình đám làng ta... Mỗi cá nhân đều thuộc về làng: Già làng, trai làng, gái làng. Dù ở đâu xa, người ta luôn nhớ về làng. Giỗ chạp tết nhất người ta đều về quê dự lễ. Không mấy ai hám làm ăn xa mà bỏ đình đám hội làng. Vùng nào cũng có những câu ca đại loại như “Những ai đi đâu về đâu”, “Nhớ ngày mồng tám chọi trâu mà về”.
Khi một xã có nhiều làng thì việc quản lý làng xã dễ dàng hơn vì có ban kỳ mục quản lý mọi việc của làng xã và ban lý dịch chuyên phụ trách về mặt hành chính ở địa phương. Nhưng khi làng có nhiều xã thì các hội đồng kỳ mục và lý dịch chỉ có quyền hành ở trong dân trong xã của họ. Khi ấy Hội đồng các xã trong làng họp lại hiệp thương để cử người đứng đầu làng. Những người đứng đầu làng phải có uy tín, tư cách. Thường là một Chánh tổng trong làng. Nếu Chánh tổng không được thì người ta cử ông Tổng sư. Có làng lại mời sư thầy trụ trì chùa làng đứng ra phụ trách làng. Nếu làng có người đỗ đạt, đức cao vọng trọng thì người ta mời người đó làm chủ làng.
Việc làng là việc lớn. Nó không chỉ là công việc của các vị bô lão kỳ hào chức dịch mà là việc chung cho mọi người. Người nghèo không có tiền của thì đem mồ hôi công sức ra gánh vác việc làng. Mọi người đều bình đẳng trước việc làng. Nhất là những làng dân to họ lớn, một làng có 2, 3 xã đổ lên thì bọn lý dịch xã này không có quyền bắt nạt dân đen hàng xóm là người xã khác. Hào lý đến dân đen đều sinh hoạt với xóm ngõ trong việc thờ cúng thần linh bản thổ cùng rào xóm hoặc tôn tạo vệ sinh đường làng. Mọi người từ quan đến dân, từ giàu đến nghèo đều phải sống dựa vào nhau đề phòng hoả hoạn và trộm cướp. Họ cùng sinh hoạt trong một hội đồng tuế nếu cùng tuổi hoặc trong một phường nếu gia đình cùng làm nghề phụ cùng trong hội đồng môn, nếu cùng học một thầy. Các xóm ngõ, phường hội thường tổ chức các lễ hội để cầu tế thần linh, thánh sư. Mọi người cùng tham gia gánh vác các công việc làng xóm nên mối cố kết cộng đồng làng xã luôn được đề cao. Khi làng cần xây dựng đền chùa đền miếu, trường học, mở chợ, đắp đường xây cầu cống thậm chí cần tiền đút lót quan trên về việc tranh chấp bờ bãi đất đai với làng khác thì hội đồng kỳ mục, hoặc vị trưởng làng mời các hội đồng hàng xã họp bàn quyết định việc bổ bán, đóng góp. Xã thôn xưa có quá nhiều người nghèo vì thế đóng góp cho làng chủ yếu dựa vào các nhà giàu. Nhưng để cho nhà giàu tự nguyện cúng tiền cho làng thì người xưa đã dùng cách bán những ngôi vị, tức là chỗ ngồi cao thấp ở đình làng khi họp hành và tiệc tùng. Những người giàu không có con trai thì mua ngôi hậu giá hàng chục mẫu ruộng, hàng trăm cây vàng. Khi sống các cụ hậu ngồi chiếu nhất, phần biếu về nhà nhiều nhất, hàng gánh xôi thịt bánh chái làng sai người gánh biếu tại nhà. Khi cụ hậu chết dân làng cúng giỗ. Các làng Việt xưa thường có ngày giỗ hậu là vì vậy. Các ngôi vị làng thường bán, tuỳ mỗi làng có tên gọi riêng như ngôi Quan viên trung đình, ngôi lý trưởng quyên, ngôi Phó lý quyên, trùm, trưởng, v.v... Các ngôi mua như lý quyên được ngồi họp dân, ăn uống cùng chiếu với các ông Lý Cựu, Lý Đương nhưng không có quyền hành cai quản dân như những chân lý dịch. Vì họ bỏ ra nhiều tiền của cho làng nên được dân làng kính trọng. Những người có chức mua ở ngôi cao mới có quyền tranh chức chủ tế hoặc trực tiếp tham gia tế lễ. Họ được miễn trừ phu lính, không phải đi tuần phiên canh gác cho làng, không phải dao thớt phục dịch các đám cỗ bàn tiệc tùng của dân. Từ sau khi mua ngôi cao thì mọi đám cỗ trong làng như cưới cheo, khao vọng, ma chay đều được mời đến dự. Nhờ đóng góp nhiều tiền của làm công ích mà họ có danh phận. Bọn lý dịch khó sách nhiễu họ. Họ cũng chẳng có bổn phận phải bẩm báo bọn quan trên về làng. Nếu làng thiếu phu, thuế, lính tráng quan huyện thường gọi bọn lý dịch ra phạt roi hoặc chôn nửa người xuống đất. Vì thế ở những dân làng ương ngạnh khó bảo thường không ai chịu ra làm lý trưởng. Người ta chỉ bỏ tiền kiếm một chức mua vừa danh giá vừa đỡ nhọc xác. Từ đấy dân gian mới có câu “Trọc đầu cho mát”.
Ở những làng có nhiều họ to vì ganh nhau cố tranh lấy chức chánh phó lý (tương đương chánh phó chủ tịch xã) thì người ra tranh chức, trước hết đã phải mua ngôi Quan viên Trung Đình hoặc chánh phó lý quyên. Muốn có chức vị quyền hành thì anh ta đã phải đóng góp to lớn cho làng. Không có cống hiến thì không có quyền hành danh giá. Tiền mua ngôi chỉ để làm công ích. Không bọn kỳ hào lý dịch nào được coi đó là tiền chùa để nhậu nhẹt. Khi mua được ngôi rồi, người ta mời mổ trâu bò lợn gà mời làng đến ăn khao. Ở nhiều làng lớn, giàu có lệ khao vọng được bày vẽ linh đình tốn kém. Tệ nạn trả nợ miệng này làm cho nhiều người khuynh gia bại sản phải bỏ làng đi nơi khác chịu kiếp sống “ngụ cư” tủi nhục.
Phần lớn việc làng được diễn ra ở đình làng là trụ sở của làng xã. Ngôi đình cũng là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hoá làng, vốn là cơ sở là nền tảng của văn hoá nước – văn hoá Việt Nam.
Những bản hương ước, khoán ước hay lệ làng của các làng Việt đều có một điều mục quy định về chiếu ngồi ở chốn đình Trung cho mọi hạng đinh trong dân. Chiếu nhất gian giữa dành cho người mua hậu hoặc người học hành đỗ đại khoa. Tiếp theo là những người có phẩm hàm chức sắc ngôi vị, ai cao hơn thì ngồi chiếu trên. Những người cùng ngôi vị thì ai hơn tuổi được ngồi chiếu trên hoặc góc chiếu trên vì “triều đình trọng tước hương thôn trọng sỉ”. Cái tôn ty phong kiến này trừ đôi khi bị bọn cường hào ác bá lợi dụng để tác oai tác quái dân làng còn lại nhờ thế mà xã thôn được ổn định trật tự, bớt đi sự tự do lộn xộn và truyền thống trọng lão, truyền thống sống kỷ cương phép tắc được đề cao ở các làng Việt.
Ai có nhiều đóng góp cống hiến cho làng hơn thì được ăn trên ngồi trốc dù cỗ trên chỉ hơn cỗ dưới miếng thịt đầu gà, má lợn. Tiệc tùng ở đình nhân lễ hội làng được mở ra đều lấy từ công quỹ do việc thu hoa lợi từ ruộng đất ao hồ công. Mọi dân đinh đều được tham dự cỗ làng. Từ gian giữa sang gian trái đình làng là chiếu ngồi của bậc lão hạng, đàn anh. Gian phải dành cho dân đinh hạng dưới, những người mua ngôi thấp từ trùm, trưởng đổ xuống. Có thời kỳ triều đình quy định bọn lý đương (như chánh phó chủ tịch xã) chỉ được ngồi chiếu nhất ở gian phải. Có lẽ triều đình qua đó muốn hạn chế sự hống hách nhũng nhiễu của bọn hào lý địa phương. Ngoài ra hàng bạch đinh nghèo không có tiền của làm công ích thì phải đi làm cỗ bàn phục dịch đình đám. Ăn cỗ làng họ phải ngồi bàn dài ở sân đình hoặc ở nhà tảo mạc. Vì thế những người được ngồi xếp vàng ăn cỗ ở đình làng mới thấy tự hào vẻ vang xứng đáng với tiền của họ bỏ ra cho làng. Do vậy mới có câu “một miếng ngoài làng bằng sàng xó bếp”.
Ăn uống ở đình làng là ăn hương ăn hoa hưởng lộc thánh. Mỗi người chỉ nhấm nháp tý chút tượng trưng. Xôi thịt cỗ bàn phần lớn được chia đều cho mọi người đem về cho vợ con cùng được hưởng.
Chiếu ngồi ở chốn đình trung còn được dành cho người đổ công sức cho làng. Khi làng bị thú dữ hoặc giặc cướp hoành hành, làng kêu gọi ai giết được mãnh thú và lấy được thủ cấp kẻ cướp cũng được làng dành cho một ngôi vị như người bỏ tiền bỏ của ra mua. Người ấy vì làng mà chết thì ngôi vị ấy con cháu được thừa hưởng.
Việc làng không chỉ là công việc của các tổ chức tự quản của làng mà bao gồm cả công việc của hàng xã (chính quyền). Các tổ chức cộng đồng tự quản bao gồm có đồng tông (họ mạc), đồng hương (xóm ngõ), đồng nghiệp (các phường nghề), đồng tuế (cùng tuổi), đồng môn (cùng học). Các tổ chức của hàng xã bao gồm các chân giúp việc của lý dịch. Vì xã quản lý đinh (đàn ông) nên số đàn ông trong xã thường được chia thành 4 giáp để mỗi giáp trông coi sửa chữa nhỏ một góc đình và cắt cử nhau từng năm đăng cai tổ chức lễ hội của làng.
Cơ quan tối cao ở làng xã là hội đồng kỳ mục. Hội đồng lý dịch và các phường hội, phe giáp trong làng đều dưới quyền quản lý của kỳ mục. Kỳ mục bỏ phiếu bàu ra lý dịch (uỷ ban xã). Nếu uỷ ban nhũng nhiễu, kỳ mục biểu quyết cách chức thì quan huyện tịch thu con dấu của lý trưởng. Kỳ mục có quyền hành to lớn ở làng xã nhưng họ không phải bẩm báo khi quan huyện về làng và họ cũng không phải trực tiếp giải quyết công việc với dân làng. Họ lại không có lương xướng của Nhà nước và không được ăn gì của dân. Họ làm việc chỉ vì danh dự, vì trách nhiệm với làng xã. Chính nhờ có hình thức tổ chức tự quản này mà làng xã đã vun đắp lên kho báu văn hoá làng để rồi nó kết tinh thành các giá trị văn hoá truyền thống như các truyền thống đoàn kết cộng đồng, tôn ti trật tự, hiếu học, trọng lão, uống nước nhớ nguồn, v.v,...
Những thời hưng thịnh có vua sáng tôi hiền thì văn hoá làng đã phát huy cao độ đạo đức của xã hội từ làng ra nước. Chỉ trừ khi triều đình thối nát thì ở hương thôn bọn kỳ mục lý dịch mới bắt tay nhau để nhũng nhiễu dân.
Tùy những năm mất mùa hoặc phong đăng hoà cốc mà hội đồng kỳ mục quyết định cho mở lễ hội lớn hoặc nhỏ. Nếu mở đình đám thì giáp đăng cai lo cỗ bàn lễ lạt và tổ chức rước xách tế lễ, hội hè. Tổ chức cho dân đinh ăn uống ở đình làng. Nếu là lễ hội ở đền miếu của các hội tư văn, phường nghề, thôn, xóm... hoặc của hội đồng môn đồng tuế... thì các tổ chức ấy trực tiếp lo liệu tổ chức.
Các ông hội trưởng, trùm phường đều do hội viên tín nhiệm bàu ra. Các phường nghề thực chất là các hợp tác xã dịch vụ và nghề phụ ở làng.
Tìm hiểu các phường hội ở làng Việt xưa người ta khó thấy có tham ô tham nhũng vì những người phụ trách các phường hội đều do hội viên tín nhiệm bàu ra. Họ đều giàu có, lại có ngôi thứ địa vị ở làng. Họ đã bỏ rất nhiều tiền của cho làng được dân làng tôn vinh trọng vọng. Vì thế họ không dại gì lại “Mua danh ba vạn bán danh ba đồng”. Mặt khác hàng năm các ông hội trưởng và trùm phường lại tiến hành tài chính công khai trước hội viên nhân các dịp cầu tế thánh sư. Do tin tưởng vào tổ chức phường hội của mình nên ai ai đều phấn khởi hăng say tham gia công việc của phường hội làng xã, được gọi chung là việc làng.
Tìm hiểu việc làng cũng là tìm hiểu về văn hoá làng. Vì làng là đơn vị cơ sở của nước. Văn hoá làng vì vậy chính là văn hoá Việt Namđược nhìn từ cơ sở cội nguồn nhìn lên.

NGUYỄN HỮU NHÀN – Theo: www.vanhocnghethuatphutho.org.vn

Không có nhận xét nào: