Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Nhân dân của tôi ơi!

Chập tối!
Tôi đọc tin mà rưng rưng muốn khóc
Ôi nhân dân nhân hậu bao dung
Nhân dân mang hồn cốt Việt.

Một sản phụ không có tiền
Gia đình đành mang về đợi chết
Chỉ vài ngày báo đăng
                    đã có hơn 300 triệu đồng cứu mạng…


Nhân dân là lá lành đùm lá rách
Nhân dân là chị ngã em nâng
Nhân dân là một con ngựa đau cả tầu bỏ cỏ
Nhân dân là một miếng khi đói bằng một gói khi no.

Thứ Bảy, 28 tháng 9, 2013

Lời mẹ khuyên


Con về thăm mẹ chiều nay
Mà lòng hiu hắt những ngày tha phương
Khán thờ lạnh lẽo khói hương
Năm gian nhà cũ vôi tường lổ loang.

Sau nhà cây đổ ngổn ngang
Đâu còn khế ngọt, cam vàng, nhãn ngon
Nếp nhà đạo đức vuông tròn
Khung trời kỷ niệm không còn vẹn nguyên.

Thứ Ba, 24 tháng 9, 2013

Tiếng đàn bầu

Tiếng đàn bầu - Tranh sơn dầu của Sỹ Tốt.

Lúa đồng thả cánh cò bay
Lời ru sông nước treo đầy ánh trăng
Lặng im nghe tiếng đàn ngân
Dập dìu trầm bổng bên sân vườn nhà
Hồn trong sâu thẳm bay ra
Treo vời ngọn gió vờn qua nước nguồn

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Trường THCS Tình Cương tổ chức hội nghị cán bộ viên chức và lễ đón chủ đề năm học 2013 – 2014

Trong không khí trang trọng phấn khởi đầu năm học mới, ngày 19/9/2013 Trường THCS Tình Cương tổ chức hội nghị cán bộ viên chức năm học 2013 – 2014. Về dự hội nghị có các vị đại biểu đại diện Đảng ủy, UBND xã Tình Cương, Hội Cha mẹ học sinh, cùng toàn thể các thầy cô giáo, cán bộ công nhân viên nhà trường.


Hội nghị đã thông qua báo cáo tổng kết năm học 2102 – 2013 và phương hướng năm học 2013 – 2014 của nhà trường, công đoàn và ban thanh tra nhân dân. Nhìn lại năm học vừa qua, trường THCS Tình Cương đã tạo sự bứt phá đáng kể về nâng cao chất lượng học sinh đại trà cũng như “mũi nhọn” số lượng học sinh giỏi. Từ nền tảng vững chắc của năm học 2012 – 2013, vinh dự tự hào trường vừa đón bằng công nhận trường THCS đạt chuẩn quốc gia, với sự đồng thuận nhất trí cao của hội đồng sư phạm, nhà trường quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2013 – 2014, phấn đấu giữ vững danh hiệu tập thể lao động xuất sắc.

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Suối Hai – một nhớ mười phương


Gặp nhau mười tám, đôi mươi
Suối Hai hội tụ một thời chẳng quên
Chợ chiều, đĩa sắn,… duyên riêng
Cùng nhau học tập luyện rèn siêng năng
Xa nhau đã mấy chục năm
Còn đây kỷ niệm trăng rằm thanh xuân
Giật mình tuổi đã ngũ tuần
Xuân sắc qua dần, tính nết còn... "son"

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Sao mày chả lái

Búi tre làng.
PTO – Nhà nọ mới mua được cái xe máy tàu. Cậu con trai nhầng nhầng ra vẻ hãnh diện, đến rủ thằng con nhà chú ruột cưỡi xe đi tán gái.
Ra đến đường cái quan, hai thằng thấy một cô gái khá xinh đi ngược chiều. Thằng em ngồi sau xe buông lời chòng ghẹo. Thằng anh mải nhìn, để xe lao đánh “rầm” vào búi tre bên đường.
Khi hai thằng lồm cồm bò dậy thì cô gái đã đi khá xa, thằng em nói:
- Xấu hổ chưa kìa! Đã bảo để em cầm lái không nghe.

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

Xướng họa: Hương quê

                    Bài xướng:
Hương quê

            Em về tìm lại bóng hình
          Thơm mùi hoa bưởi chúng mình trao nhau
                     Hương bồ kết thoảng trên đầu
          Mượt mà mái tóc ủ câu hẹn thề.
                     Gió lay kẽo kẹt hàng tre
          Tưởng như tiếng võng trưa hè... "à ơi!"
                     Khói lam chiều tỏa chơi vơi
          Gợi bao ký ức một thời xa xăm.

Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Bâng khuâng nhớ... thời học trò

Thời học trò bao giờ cũng là quảng đời đáng nhớ nhất của mỗi người, bởi sự vô lo, hồn nhiên, vui buồn bên thầy, bạn, trong màu áo trắng tinh khôi dưới tán phượng, gốc bàng, cùng tiếng trống trường vang vang giữa giờ chơi hay hết tiết.
Hai chữ "tựu trường" gợi nhắc về những ngày mùng 5 tháng 9 trong cuộc đời học trò, mỗi năm một lần sau ba tháng hè vui chơi cùng bè bạn gần nhà, trong nỗi nhớ trường lớp đến cháy ruột gan, mòn mỏi đếm thời gian để được mang dép mới, cầm những cuốn tập sách còn tinh tươm mùi giấy mới, thơm tho mà nôn nao đến lạ kỳ. 
Ngày tựu trường.
Được đến trường là niềm hạnh phúc bởi trên đất nước này, hay ở những vùng miền xa xôi khác của năm châu, có những trẻ em không được đến trường. Nghĩ thế để vượt qua thiếu thốn mà chắt chiu con chữ, mà nâng niu chiếc cặp dẫu là cũ xì do dùng lại của anh mình, chị mình. Thi thoảng tôi vẫn nghĩ như thế và chia sẻ như thế với những học trò nghèo mà mình có duyên gặp trên vạn lý mưu sinh đây đó.

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Ban đổi mới phát triển kinh tế tập thể tỉnh Phú Thọ làm việc tại huyện Cẩm Khê

Ngày 16-9-2013, Ban đổi mới phát triển kinh tế tập thể tỉnh Phú Thọ đã kiểm tra hoạt động đổi mới phát triển kinh tế tập thể tại huyện Cẩm Khê. Tham gia đoàn kiểm tra có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, Liên minh HTX tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, đại diện Hội LHPN tỉnh và một số sở ngành có liên quan.


Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT),  hoạt động KTTT huyện Cẩm Khê có sự chuyển biến tích cực, nhiều HTX không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, mở rộng các loại hình dịch vụ, sản xuất kinh doanh ngày càng hiệu quả. Huyện Cẩm Khê hiện có 50 HTX và quỹ TDND, 300 tổ hợp tác, với tổng vốn đăng ký hoạt động hơn 126 tỷ đồng, thu hút hơn 12.000 xã viên và người lao động tham gia. Tổng doanh thu 8 tháng đầu năm 2013 đạt 24 tỷ đồng, tổng lợi nhuận sau thuế gần 1,5 tỷ đồng. Tỷ lệ HTX hoạt động đạt loại khá chiếm hơn 60%, HTX hoạt động yếu kém giảm xuống dưới 15%. 

Trai làng kể chuyện: Ra bờ đê rình các đôi rồi... bắn

Cạnh làng tôi có con đê bao kéo dài qua 3 xã. Nó chính là địa điểm hẹn hò lý tưởng cho các đôi yêu nhau. Nhưng rồi đây cũng chính là khởi điểm nhiều trò tinh nghịch của lũ trai trẻ chúng tôi. Ngày ấy ở quê tôi, chuyện trai làng khác đến tán gái làng tôi phải trải qua nhiều "công đoạn" lắm. Có anh trai nào đó u cái đầu cũng là "chuyện nhỏ" vì can tội "lấn sân".
Trò bắn súng chun của chúng tôi làm khổ các đôi ngồi trên triền đê.
Chuyện mùa đông vứt xuống ao mò cua đực, tôm đực cũng thường áp dụng cho các anh trai làng khác đến tán gái làng tôi... Vì thế mà cái ngã ba trên con đê, nơi giao điểm ba xã là vị trí rất quan trọng cho những anh trai làng muốn vượt biên đi tán gái.
Tuy nhiên chuyện giữ chân gái làng đó chỉ dành cho mấy anh lớn tuổi muốn theo đuổi các cô gái trong làng, còn bọn tôi khi ấy ở cái tuổi mới lớn thì lại thích mấy trò nghịch ngợm vui vui cơ.

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Quà quê

Mỗi miền quê đều có từng đặc sản riêng, nhưng quà quê cho thì đều có những nét giống nhau. Quà thường là những sản phẩm của làng quê bày bán ở chợ quê.


Quà không lớn lao vì giá trị kinh tế nhưng lại ấm áp bao ơn nghĩa gần gũi, thân thương. Quà quê có thể là những loại bánh kẹo hay bắp ngô, củ khoai, nó không phải là nguồn thực phẩm chính trong bữa cơm hàng ngày. Quà quê như món điểm tô để ta thưởng thức chắt lọc hết cái hồn quê tinh tuý nhưng dân dã biết bao. Quà quê thường dành cho buổi sáng trước lúc đến trường, hay giờ ra chơi rủ nhau xúm lại dưới gốc bàng, tán phượng. Này nhé: Món bánh đúc, bánh cuốn, bánh gai, bánh mật ... thì tất nhiên phải mua ở chợ rồi, đó là quà của mẹ, của bà.

Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2013

Cá Anh Vũ – Cá tiến Vua

Vua chúa phong kiến ngày xưa, có lệ, hằng năm, con dân mọi miền phải Tiến (biếu, dâng) cho triều đình những gì ngon nghẻ nhất. Tịnh chưa thấy sử sách hay truyền khẩu nào nói về việc rêu suối là thứ tiến Vua. Nhưng, cá tiến Vua (cá Anh Vũ) thì đích thị là sản phẩm kết tinh từ rêu suối rồi. Đó là loài cá ăn rêu, ăn thứ rêu thanh tao nhất ở những vùng nước xiết nhất, một đời cá ăn nhiều triệu cọng rêu để có được cái tinh túy khiến ông hoàng bà chúa phải “đánh đường” đi tìm kia! Vì mải ăn rêu, mà cá Anh Vũ bị trề, bị trù, bị loe cái miệng gặm vào vách đá của mình ra, để rồi dân gian vinh danh nó là cá Mõm Lợn (mõm trù ra như Trư Bát Giới). Cặp môi, cái mõm được tinh luyện, được ngấm tẩm, được nuôi dưỡng bởi tinh anh của rêu suối đó, chính là thứ quan trọng nhất, ngon ngọt, bổ béo và “huyền thoại” nhất để Vua Chúa “quyết tử” săn lùng cá Anh Vũ. Lẽ ra phải gọi đó là món “Môi Cá Tiến Vua”, một loài cá ăn rêu, lẽ ra phải gọi đó là “Tinh Túy Của Rêu Suối Tiến Vua”. Hương rừng sắc núi, cái kỳ diệu nhất ở thiên nhiên, đôi khi nằm ở chính trong những cọng rêu mà người đời coi rẻ đó. Cá ăn rêu, cá Mõm Lợn, cá Anh Vũ, cá tiến Vua.

Cá Anh Vũ – Cá tiến Vua

Thoát khỏi chuồng cọp, thôi ở trên… bàn thờ!

Quẩn quanh, tay chống cằm ngồi nhìn ra vườn cọ hoang tàn, chợt có vị khách xồng xộc đến, ông Vẽ dò dẫm đứng lên, dụi mắt. Hóa ra, bà cụ hàng xóm, người cùng tuổi với ông Vẽ, lại vừa chết lúc ban trưa. Cán bộ xóm người ta đi thu tiền “gạo nước”, mỗi hộ đóng 10 nghìn đồng, thôi thì, nghĩa tử là nghĩa tận. Ông Vẽ ở một mình, nghèo quá là nghèo, run run tìm ruột tượng giữ tiền đem ra nộp, tôi nhanh tay móc tiền ra trước, ông Vẽ cằn nhằn, lần nào anh đến cũng cứ cho tôi tiền. “Anh còn để tiền mà tàu xe tìm lối về Hà Nội chứ”. Ông lẩm bẩm, “Hôm nào đó lại đến lượt tôi về với cõi của các cụ. Sống thì lâu, chết thì nó nhanh lắm, vừa chết đấy, lại đến giỗ đầu ngay đấy”. Cái hành trình ông tìm về quê, cũng cứ như là từ âm ty tìm về dương thế ấy. Ông kể chuyện, bằng cái giọng của thầy cúng luyện âm binh. Như bố ông, ngày xưa, cùng con nhang đệ tử cắn lưỡi mình đứt từng miếng nhỏ, phun máu phì phì ra giấy bản để “bắt quyết niệm chú”… 
Sau 30 năm trở về, cùng với việc bỏ bát nhang thờ mình ra khỏi ban thờ, 
người thân, không phải ai cũng nhận ra cậu bé Vẽ 6 tuổi được người ta mặc cho bộ quần áo, 
đưa cho cái bánh rồi dắt đi năm xưa 
(trong ảnh, từ trái sang: ông Vẽ, hai vợ chồng người anh trai ruột của ông).
Phải cưới vợ để có thêm người làm cho… nhà địa chủ! 
Thấy tôi đến tuổi… có thể lấy vợ được, bà Tư Hồ bèn tính chuyện cưới vợ cho tôi để có thêm người ở. Giống như tôi bị bắt cưới vợ. Ông bà ấy bảo: Tối, mày đến gặp tao, tao nói cho mày biết chuyện này. Tối tôi vào, bà bảo: Mai, mày ăn mặc cho tử tế, tao đưa đi xem mặt một người. Tôi chả hiểu gì. Đến nơi, chả kịp nhìn mặt, chả biết mình có thích nói chuyện với “cô kia” không, ông bà hạ lệnh cưới luôn. “Vợ mày đấy, phải thương yêu nhau, bảo ban nhau làm ăn cho… đến nơi đến chốn”. Lúc ra đồng làm quần quật, tôi gọi vợ tôi là “chị Bằng”, chị Bằng gọi tôi là Vẽ, trống không. Có hôm rét, tôi xuống nhà, chị ấy trông thấy tôi, xấu hổ quay mặt đi. Chị cũng chả biết “thích” (yêu đương hay quan hệ tình dục) tôi, tôi cũng chưa biết “thích”, tôi bèn xuống lò trấu dưới bếp ngủ cho ấm. Trước lúc vào bộ đội, tôi bảo: “Chị ở nhà, tôi đi!”. Lúc tôi trở về, chị vẫn là “con dâu”, con ở cho nhà ông Tham Hồ. Nhà “chị” Bằng rất nghèo, bố đau yếu, sau này, vì nhiều chuyện rích rắc, chúng tôi hầu như không đi lại nữa dù vẫn thương xót và tôn trọng nhau, bà ấy có đi bước nữa, có con cái đàng hoàng.

Thứ Sáu, 13 tháng 9, 2013

Phận tôi đòi, ăn cơm trộn… dầu hỏa!

Lời dẫn:
Nhân vật sắp trò chuyện với chúng ta là một người đàn ông. Sáu tuổi, miệng còn hơi sữa, ở trần truồng, chửa biết chỗ nào khác ngoài gốc mít đống rơm nhà mình, cậu bé tên Vẽ được “bán” làm con nuôi cho một ông thư lại hiếm muộn của giặc Pháp, bị đày đọa trần đời có một bởi một “chúa bà” (địa chủ) tàn độc, nai lưng bé thơ ra làm như con bò con trâu bất kể đêm – ngày, nóng – lạnh, khỏe – ốm. Từng phải ăn ròng rã nhiều tháng bằng thứ cơm gạo trộn dầu hỏa dầu luyn chỉ vì một lần mải chơi chắt chơi chuyền ở đầu cổng. Lớn lên, trốn theo bộ đội cụ Hồ đi đánh giặc, bị giặc bắt, trên những chuyến tàu chở tù binh lạnh ngắt lưỡi hái tử thần, từng trực tiếp tay không đấm chết nhiều tên chỉ điểm (mật thám) người Việt trên những nẻo đường “lưu đày” khiến giặc Pháp sợ xanh mắt mèo. Dăm năm đằng đẵng, bị tù đày tận khổ khắp Hỏa Lò, Hải Phòng, ra chuồng cọp Côn Đảo. Sau cải cách ruộng đất, chính bà mẹ nuôi của Vẽ phải thắt cổ tự tử trong căn nhà hoang vắng khi đang mang thai, chính bố nuôi đi ở tù vì dính “thành phần” quá nặng. Giữa lúc ấy, ba mươi năm sau kể từ ngày lưu lạc, tình cờ có người mách nước rằng anh Vẽ cũng còn có một… quê hương ở nơi nào xa lắm, anh là đứa con bị đem cho đem bán. Kỳ công tìm về làng theo cái sơ đồ nghệch ngoạc vẽ của một người tù sau cải cách, chàng Vẽ tìm về cố hương: bố đã bị giặt Pháp giết, gia đình ly tán không ai còn nhận ra gương mặt đứa con bất hạnh phiêu bạt 30 năm trời kia nữa. Trên ban thờ nghi ngút khói nhang, anh Vẽ nhận ra là “bài vị” của… chính mình. Cuối đời, họa vô đơn chí: vì đưa toàn bộ hồ sơ “thành tích” của mình cho một cán bộ xã xem xét, cơn lụt lội ngẫu hứng tràn qua, ông Chủ tịch xã bị đột tử, giấy tờ bị nước sông Hồng cuốn mất, cụ Vẽ đành sống không có chế độ gì, sống một mình trong căn nhà vách lá tồi tàn ở xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ…
Ông già bệnh tật sống một mình, căn nhà lợp lá cọ, vách đất và con chó nhỏ.
Quá trình bị hành hạ “lao động khổ sai” từ khi lên bảy tuổi đầu, thời kỳ dài bị tù đày ở những địa ngục trần gian khét tiếng nhất đã làm cho ông Vẽ, ở tuổi 75 biến thành một cái ổ bệnh tật tang thương. Đi lại dò dẫm, dạ dày đau, dây thần kinh đau đến mức mỗi lần muốn đứng lên ngồi xuống, phải thọc cả tứ chi xuống mặt đất mà từ từ bẩy, ẩy, dướn, toàn thân đau như hành xác. Người ta bảo, nếu có tiền, phải thay mấy cái dây chằng ở cột sống. Cơm niêu nước lọ. Căn nhà lợp lá cọ giữa bạt ngàn xanh của sắn rù, cọ già, rơm rạnó có cái vẻ thơ mộng của sự khốn khó. Ông Vẽ thường ngước lên ban thờ, ở đó có ông bà ông vải, bố mẹ, chốn nương náu cuối cùng mà càng phiêu dạt nhục nhằn, càng về cõi già nua, ông mới lại càng thấy đau đáu, thiêng liêng. 

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Thử tìm hiểu ý nghĩa chữ "Tâm"

Có một tử tù kia suốt đời làm việc tội lỗi, giết người, trộm cướp, lòng dạ rất xấu xa. Trước khi bị xử tử, anh ta hối hận. Và, để chuộc lại tội lỗi của mình, anh xin hiến trái tim của mình cho người cần thay tim. Nhưng sau đó không bệnh nhân nào dám nhận trái tim của anh, vì sợ sau này cũng độc ác như anh!
Văn hoá Đông Tây tuy có nhiều khác biệt, nhưng đều lấy “tâm” diễn tả tình cảm của con người. Chúng ta thử tìm hiểu ý nghĩa của chữ “tâm”.


1. Nghĩa chữ Tâm:
Tâm có hai chữ Hán là [1] ở đây là chữ , chữ tâm là chữ tượng hình, viết kiểu tiểu triện có hình trái tim, còn viết kiểu khải thư thì ở trên có ba dấu tượng trưng ba cái cuống, ở dưới là túi chứa máu. Chữ này diễn biến qua các cách viết như sau:



Chữ Tâm () có rất nhiều nghĩa:
1.1. Nghĩa thông thường: (dt.) (1) Tim (heart): tâm tạng (quả tim), tâm thất (ngăn bên dưới trong trái tim). (2) Lòng, dạ, ruột, phần bên trong (inner): tâm phúc (bụng dạ); không tâm thái (rau rỗng ruột, tức rau muống). (3) Lòng, tình cảm con người (inner emotion): tâm cảm (inner feelings), tâm phục (thật lòng kính trọng vâng theo); tâm ý (lòng dạ và đầu óc); đồng tâm nhất trí (cùng một lòng, một ý). (4) Giữa (center), điểm ở giữa, quy tụ các điểm khác, thường nói về phần giữa đều gọi là tâm: viên tâm (điểm giữa vòng tròn), trọng tâm, trung tâm. (5) Tên một ngôi sao trong Nhị thập bát tú, sao Tâm, tức sao Hỏa. (6) Tên một bộ chữ Hán, bộ Tâm, cũng viết là, khi đứng bên trái.

Thứ Tư, 11 tháng 9, 2013

Xướng họa: Trường xưa và nỗi nhớ



                  Bài xướng:
Trường xưa và nỗi nhớ

Màu áo ai làm mây trong nắng hạ
Góc sân trường chùm phượng vĩ rêu phong
Tiếng ve xưa xa vắng ở trong lòng
Ngày trở về trường xưa là nỗi nhớ…
Nhớ về em tìm em bên ghế đá
Lá thu vàng từng chiếc lá bàng rơi
Tiếng yêu xưa sao nói chẳng nên lời
Để giờ đây lạc hồn trong nỗi nhớ…

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Sông Thao

Cầu Phong Châu bắc qua sông Thao - Ảnh: Nhật Minh.

                                             Ngàn năm lầm lũi nuôi bờ
                                     Sông Thao bươn chảy dòng thơ nuôi người
                                             Bình an thả lỏng thuyền đời
                                     Phù sa đỏ ánh nắng trời chói chang
                                             Chủ Chè một chuyến sang ngang
                                     Nặng tình sông nước mênh mang tình người.

Thứ Sáu, 6 tháng 9, 2013

Tình Cương vinh dự đón Bằng Công nhận Trường Trung học Cơ sở đạt chuẩn quốc gia

Những ngày đầu năm học mới 2013 – 2014, thầy và trò Trường THCS Tình Cương (huyện Cẩm Khê) tràn ngập niềm vui vinh dự đón Bằng Công nhận Trường THCS đạt chuẩn quốc gia.


Phát huy truyền thống từ những ngày đầu xây dựng, Trường THCS Tình Cương duy trì nền nếp, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm, liên tục đạt trường tiên tiến cấp huyện, nhiều thầy, cô giáo đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, giáo viên giỏi các cấp.
Ngày hội khai trường năm nay, cùng với học sinh cả nước hân hoan bước vào năm học mới, mặc dù thời tiết không thuận lợi, mưa lớn kéo dài, thầy và trò Trường THCS Tình Cương đã ghi thêm vào trang truyền thống đầy tự hào và vinh dự đón Bằng Công nhận Trường Trung học Cơ sở đạt chuẩn quốc gia.

Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Chợ quê

PTOCuộc sống làng quê tôi ngày xưa sôi động, náo nhiệt vui hơn lên nhờ những buổi hội làng. Cả những phiên chợ quê đáng nhớ cũng giúp chúng tôi yêu quê hương mình hơn.


Không những chỉ để mua bán những thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, phiên chợ còn là lịch thời gian của vùng quê tôi khi chưa nhiều gia đình có tấm lịch treo trong nhà. Người làng tôi ai cũng nhớ những ngày phiên chợ quanh vùng, nhất là các bà, các chị, những người nội trợ trong gia đình. Riêng làng tôi một tháng có 9 phiên, phiên ngày lẻ. Ngoài việc nhớ ngày họp chợ người làng còn chuẩn bị hàng hóa, sản phẩm, hoặc dự định sẵn những đồ sẽ mua ở mỗi phiên chợ. Chợ phiên quê tôi họp trên một khu bãi rộng chừng 3.000m2 cạnh ngay tỉnh lộ qua làng. Chợ họp từ mờ sáng tới già trưa thì tan. Người mua kẻ bán cứ nhớ nơi quy định bày hàng mình bán, hay mua thứ mình cần. Những lều lán làm thành từng dãy cho từng loại hàng ít khi có phên vách, ngăn cách. Hàng nọ cách hàng kia có một lối đủ cho chủ hàng chen chân vào. Người đến chợ có thể nhìn từ đầu đến cuối dãy. Dãy hàng xén lặt vặt như: Bút vở, cái lưỡi câu, cuộn dây cước, cái gương, lược... Nhưng có lẽ thứ hàng phổ biến nhất vẫn là các sản phẩm nông nghiệp từ mớ rau, con cá, gà, lợn đến lúa ngô, khoai, sắn... thứ gì cũng có. Nhưng phong phú nhất vẫn là khu bán rau, quả… chiếm một góc lớn của chợ với rau tươi các loại: Cải bắp, cải bẹ, su hào, mướp, su su, đậu đũa, đậu côve… đầy sọt, đầy rổ, tạo nên một màu xanh non tươi ngọt ngào. Bước đến hàng bày bán quần áo, với nhiều màu sắc, chủng loại, kích cỡ của nhiều lứa tuổi. Các bà, các chị chào hỏi, mua, bán tíu tít với những tiếng cười, nói xởi lởi mời chào.