Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Hoa đời


Không hoa mà cứ gọi bông
   Đố em hoa ấy được trồng ở đâu?
Chín vàng óng ả một màu
   Khắp trong đất nước nơi đâu cũng trồng
Trên nương, lưng núi, dưới đồng
   Bao đời bạn với nhà nông chẳng rời
Hai lần gọi hạt ai ơi!
   Hương thơm, bông gặt về rồi càng thơm

Ngày hội gia đình hạnh phúc "Yêu thương và Chia sẻ"

Hôm qua 27-6-2016, tại Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Phú Thọ đã tổ chức Ngày hội gia đình hạnh phúc với chủ đề “Yêu thương và Chia sẻ”. Tới dự có các vị: Bùi Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy; lãnh đạo các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành...


Ngày hội gia đình hạnh phúc là một trong những hoạt động thiết thực nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam 28-6, nhằm tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt Nam; biểu dương các gia đình văn hóa, gia đình hạnh phúc tiêu biểu; chia sẻ kinh nghiệm xây dựng gia đình hạnh phúc hướng tới sự phát triển bền vững. Tại diễn đàn Ngày hội đã diễn ra nhiều cuộc giao lưu của các gia đình tiêu biểu, của chủ nhiệm Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc và cán bộ hội; tiểu phẩm; trò chơi trắc nghiệm tâm lý...

Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Nhớ quê

Từ lâu tôi đã biết mình mắc căn bệnh nhớ quê mãn tính. Dai dẳng và âm ỉ. Những lúc như thế, chỉ có một cách duy nhất: Về. Phải về thôi!


Nhớ quê. Lúc thì nhớ con mương chạy dọc cánh đồng làng với bầy vịt con lông vàng liếp chiếp nhột đầy cả tai. Con mương ấy theo tôi đến trường, rửa sạch đôi chân tôi lấm láp trước khi chào tôi vào lớp rồi tiếp tục cuộc hành trình uốn lượn để mang dòng nước mát lành đến với những cánh đồng khác trong vùng. Con mương ấy chở chiếc thuyền giấy tuổi thơ tôi cập những bến bờ mơ ước. Con mương ấy đón những giọt nước mắt khờ dại đầu đời của tôi bằng cái vẻ lặng yên đầy chia sẻ. Con mương ấy, nhiều lần tôi muốn hỏi, có phải cũng dẫn nước về con mương chạy ngang nhà người con trai tôi trộm nhớ thầm thương? Thế mà sao, người ấy không một lần hiểu ánh mắt tôi...
Có lúc nhớ khói bếp cay xè mắt. Củi gì mà lỳ lợm quá chừng, mãi không chịu bén lửa. Nhớ cả những buổi vào gò quơ củi. Quơ củi chứ không phải chặt hay đốn củi. Quơ củi, nghĩa là không mang theo gì cả, không rựa, không đòn xóc, chỉ việc nhặt những cành cây khô rồi ôm về. Củi quơ thường bén lửa nhanh và không đượm, chẳng có than là bao. Quơ củi, có khi đang nấu bữa thì nhà hết củi, chạy ù ra vườn bẻ vội cành ổi hay nhánh xoài khô cho ngay vào bếp đang đỏ lửa. Quơ củi, quá lâu rồi tôi cách xa công việc ấy. Những buổi chiều sau mưa thì vẫn còn nguyên, những cành bạch đàn khô, tôi biết, vẫn rơi ngổn ngang trên mặt đất, vắt cả lên những bụi cây dại. Nhưng chẳng còn tôi nhanh nhảu nhặt lấy, sắp thành bó đội về giữa một hoàng hôn vừa gột rửa trong lành. Cũng chẳng còn tôi bẻ lấy những cây củi khô cho thêm vào bếp để nghe lách tách lách tách mà thấy yêu sao từng bữa cơm chiều nấu vội đợi mẹ về.
Và giờ đây, nhớ quá, thèm quá giật một cành cây sau mưa rồi ù té chạy, cười vang khi thằng Ty bị ướt nhem dưới gốc cây. Thằng Ty bực mình đuổi theo, chụp được, nó kéo tôi lại dưới cây chanh và cầm lấy cành, rung mạnh. Tôi cũng ướt nhem, rồi hai đứa cùng cười sảng khoái. Tuổi mười ba long lanh.
Nhớ quê. Nhớ đến cả con giun đất đào được chỗ đất ướt gần ang nước. Nhớ hố chuối vườn bà Hai cạnh nhà, mùa mưa nước đọng thành sâu hoắm. Mùa hè thì đây chính là thiên đường của những buổi tối soi ve ve. Những con ve ve chưa lột vỏ bé xíu bám trên thân chuối, thân mít có sức hấp dẫn lạ kỳ với lũ trẻ chúng tôi. Một chiếc đèn dầu hoặc một ngọn đuốc làm từ giẻ rách thấm dầu hỏa, cái bật lửa bỏ túi quần đề phòng gió làm tắt đèn, một chiếc bao ni lông là đã đủ hành trang cho những buổi tối thần tiên. Tôi cũng không biết có nơi nào trên hành tinh này, người ta cũng cầm đèn dầu đi soi những con ve ve chưa hoặc vừa mới lột vỏ ướt mèm về để nướng hay xào ăn. Nhưng mãi mãi trong lòng tôi, ở một góc ấm áp nhất, bình yên nhất có những đêm đầy xúc cảm mà ngọn đèn dầu và những chú ve ve chưa biết hát bài ca mùa hè mang đến.
Tôi sống ở quê đúng mười bảy năm, ba mẹ đều dạy học nên không có một tuổi thơ ruộng đồng nương rẫy như nhiều bè bạn cùng quê khác. Nỗi nhớ quê trong tôi cũng ít nhiều khác với nỗi nhớ của những người bứt đi từ gốc rạ, dây khoai. Nhưng vẫn giống nhau ở chỗ cồn cào và da diết. Bởi chúng tôi cùng hít thở bầu không khí ấy, da thịt chúng tôi đều quyện mùi bùn ướt hăng nồng. Mắt chúng tôi đều xanh màu của trời mây và cây cỏ. Và, trái tim chúng tôi đều cất những ngọn gió quê nhà thao thiết, thổi dọc ngàn đêm phố thị mệt nhoài.
Những bạn bè quê hương giờ đang quăng mình vào những cuộc mưu sinh chốn phố phường như tôi ơi, có bao giờ bạn hỏi nhớ quê? Là nhớ cảnh hay nhớ người? Là thương mình xa xứ hay thương quê nghèo để lạc những đứa con ngơ ngác? Không chỉ thế đâu, nhớ quê, đó còn là một con đường dẫn ta về với chính ta của ngày đã mất, khi tất cả những con đường khác đều bị chặn lại bởi thời gian.
Thế thì, nghĩ cho cùng, căn bệnh nhớ quê này cũng quá chừng đáng yêu đó chớ!

NGÔ THỊ THỤC TRANG

Nắng bằng lăng


Nắng gửi gì cho hoa bằng lăng
Tím biếc cả con đường trong nắng
Em đi qua một thời áo trắng
Từng cánh hoa tím biếc thân thương.

Em đi qua thời  mực tím vấn vương
Giữa e ấp còn ngại ngùng bâng khuâng lắm
Bông bằng lăng tím ngát màu trong nắng
Áo trắng khôi nguyên xao động nắng hạ vàng.

Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2016

Đại hội Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tình Cương nhiệm kỳ 2016 – 2021

Sáng ngày 17-6-2016, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tình Cương đã tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ 32, nhiệm kỳ 2016 – 2021. Đại diện lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Cẩm Khê, Đảng ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã đã tới dự và tặng hoa chúc mừng đại hội.


Trong nhiệm kỳ qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tình Cương đã tích cực tổ chức các lớp tập huấn, phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chuyển giao KHKT ứng dụng vào sản xuất; đã tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về kiến thức pháp luật, về xây dựng nông thôn mới, thi chi hội trưởng phụ nữ giỏi. Tuyên truyền thực hiện có hiệu quả các đề án “Giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ CNH –  HĐH đất nước” và “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”,…

Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Nồi cháo nghĩa tình tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Khê

Sáng ngày 14-6-2016, Bệnh viện Đa khoa huyện Cẩm Khê phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Phú Thọ, Hội Chữ thập đỏ huyện Cẩm Khê đã tổ chức lễ khai trương “Nồi cháo nghĩa tình” giúp đỡ các bệnh nhân nghèo.


Với sự vận động kết nối của Bệnh viện Đa khoa và Hội Chữ thập đỏ cấp huyện, cấp tỉnh, nồi cháo nghĩa tình tại Bệnh viện Đa khoa huyện do Đại đức Thích Minh Thuận và Đạo tràng Bồ tát giới chùa Bảo Ngạn và chùa Thiên Phúc, thành phố Việt Trì; Ni sư Thích Nữ Tịnh Chi chùa Vân Ngư xã Sơn Tình, Ni sư Diệu Liên chùa Thổ Khối xã Phương Xá, Ni sư Thích Nữ Chí Quang chùa Tùng Khâu xã Sơn Nga, Bệnh viện Đa khoa huyện và Quỹ An vui hạnh phúc tại thủ đô Hà Nội tài trợ với tổng số tiền 128 triệu đồng. Nồi cháo nghĩa tình sẽ được duy trì trong 1 năm, cấp bình quân 50 bát cháo/1 ngày tới các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần.

Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2016

Tập trung thu hoạch lúa chiêm xuân, triển khai sản xuất vụ mùa

Vụ chiêm xuân năm nay, huyện Cẩm Khê gieo cấy được 4.329 ha lúa các loại đạt 102,5% kế hoạch. Trong đó diện tích lúa lai 2.779 ha, chiếm trên 60% diện tích. Mở rộng mô hình "cánh đồng mẫu lớn" ra các xã. Các giống được gieo trồng chủ yếu: GS9, RVT 15, Thiên Ưu 8, Nhị Ưu 838, Vân Quang 16, Nếp 97.


Nhờ triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp chăm sóc, bảo vệ nên lúa chiêm xuân  sinh trưởng và phát triển tốt. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, bà con nông dân trong huyện đã tập trung thu hoạch các trà lúa đảm bảo chủ động, đến nay toàn huyện đã thu hoạch được trên 70% diện tích, năng xuất lúa đạt 58.5 tạ/ha. Các xã có năng xuất lúa cao như: Điêu Lương, Phùng Xá, Tiên Lương… Gặt đến đâu bà con tranh thủ làm đất chuẩn bị sản xuất vụ mùa đến đó.

Thứ Sáu, 10 tháng 6, 2016

Hạ về!


Hạ về qua ngõ trường tôi
   Ve sầu đồng điệu lên ngôi reo hò
Một năm chăm học gắng lo
   Hôm nay có dịp sang đò thảnh thơi
Qua rồi niên học bạn ơi!
   Sợi thương sợi nhớ đầy lời chia tay

Thứ Tư, 8 tháng 6, 2016

Mùa gặt tháng Năm


Tháng Năm, trời nắng như nung
   Em tôi gặt lúa phơi lưng giữa đồng
Dưới chân, nước ruộng oi nồng
   Tấm thân nhỏ bé ngâm trong nắng vàng
Nhà nông vất vả gian nan
   Tháng Giêng gieo cấy cơ hàn buốt xương
Tảo tần một nắng hai sương
   Bón phân, làm cỏ, khai mương, đắp bờ,…
Trỗ đòng mà vẫn thấy lo
   Cầu Trời, khấn Phật độ cho đận này

Thứ Ba, 7 tháng 6, 2016

Cẩm Khê tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi

Ngày 04-6-2016, UBND huyện Cẩm Khê đã tổ chức Lễ Tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi và giáo viên có học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia năm học 2015 – 2016.


Tới dự buổi lễ có các vị: ông Dương Hoàng Hương, Bí thư Huyện ủy; bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Phú Thọ; các vị lãnh đạo Huyện ủy, HĐND,  UBND,  Ủy ban MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể huyện; đại diện lãnh đạo Hội Khuyến học khuyến tài huyện, đại diện Hội đồng hương Cẩm Khê tại Hà Nội; cùng các thầy, cô giáo và 143 em học sinh đạt thành tích xuất sắc qua các kỳ thi học sinh giỏi, học sinh năng khiếu năm học 2015 – 2016.

Thứ Hai, 6 tháng 6, 2016

Chiều quê


Chiều nay nhẹ bước tôi về
   Bâng khuâng, gió thoảng bờ đê cuối làng
Dang tay ôm lấy mơ màng
   Rì rào sóng lúa trải vàng trĩu bông
Cánh cò quạt nắng bên đồng
   Sáo diều vi vút mênh mông biển trời

Thứ Sáu, 3 tháng 6, 2016

Ve đã về chạm ngõ


Ve đã về chạm ngõ rồi anh
Bàng thẫm xanh sao mong manh đến lạ
Bao đón đưa mời chào hối hả
Tiếng nô đùa xé toạc cả trời thương.

Sao anh không về để Hạ vấn vương
Khúc tình ca ve sầu ngân thảm thiết
Thương và nhớ không thể nào tách biệt
Cứ phập phồng dan díu tựa vào nhau.

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Cựu chiến binh Đỗ Văn Huệ thoát nghèo từ nghề sửa chữa máy

Về khu Xóm Chùa, xã Tình Cương, hỏi cựu chiến binh Đỗ Văn Huệ, người chuyên sửa chữa máy xúc ủi và chế tạo máy, người dân nơi đây nhiệt tình chỉ dẫn và giới thiệu xưởng của ông. Ngoài đam mê sáng tạo, ông còn được nhiều người khâm phục bởi ý chí vượt khó làm giàu, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng.


Ông Đỗ Văn Huệ, tham gia quân ngũ từ năm 1978 đến năm 1988. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, cuộc sống gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với phẩm chất của “Bộ đội cụ Hồ”, ông cùng gia đình đã phấn đấu vượt lên tất cả. Ông đã từng nhận thầu 20 ha đất bồi bãi ven sông để trồng ngô nhưng thất bại. Với kiến thức kỹ năng về cơ khí đã học trong quân đội, ông chuyển sang đi làm thuê sửa máy ở các nơi.