Thứ Hai, 1 tháng 7, 2019

Lại bàn về việc sáp nhập các xã huyện Cẩm Khê

Nhà giáo Nguyễn Chí Anh


Ngày 23/5/2019, Chí Anh đã đăng bài thơ: ĐỂ MÃI TỰ HÀO lên Fb nói về việc sáp nhập 31 xã trong huyện Cẩm Khê thành 10 xã và được đông đảo bạn đọc quan tâm. Nay Chí Anh có bài viết phân tích cụ thể hơn gồm 3 phần:
I- Đặt tên xã
II- Điều kiện địa lý của các xã sáp nhập
III- Suy nghĩ cá nhân về điều kiện địa lý của các xã sáp nhập
Mong bạn đọc cùng Chí Anh phân tích những điều nên và chưa nên,trên tinh thần xây dựng.
Tôi được biết, ngày 04/5/2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Cẩm Khê đã có kết luận số 161-KL/HU về chủ trương sắp xếp, sáp nhập các xã trên địa bàn huyện giai đoạn 2019 – 2030. Về chủ trương, cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ vì đây là việc phải làm, cần làm và nên làm vì lợi ích của nhân dân và đất nước.
Là một người con sinh ra và lớn lên tại huyện Cẩm Khê, bản thân tôi rất yêu mảnh đất Chôn rau cắt rốn này và thông qua việc tự sưu tầm, nghiên cứu về mảnh đất Sơn thủy hữu tình, Đầu gối sơn, chân đạp thủy, tôi cũng am hiểu ít nhiều về quê hương mình. Vậy trước vấn đề liên quan đến truyền thống, lịch sử của quê hương, tôi thấy mình cũng nên trình bày quan điểm riêng để biết đâu góp được một ý kiến nhỏ nào cho Ban Thường vụ Huyện ủy tham khảo.
Tôi được biết việc sáp nhập các xã là có sự hướng dẫn của cấp trên và có tiêu chí cụ thể: Ví dụ, khi sáp nhập 02 xã với nhau thì dân số phải đảm bảo từ 5.000 người trở lên và diện tích là 50km2. Nếu sáp nhập 03 xã với nhau thì không cần đến 02 tiêu chí dân số và diện tích. Vậy ở điểm này thì huyện Cẩm Khê sáp nhập rất hợp lý (đều có ít nhất 03 xã trở lên).
Tuy nhiên, những điều cá nhân tôi và nhiều người dân còn băn khoăn là việc đặt tên xã sau khi sáp nhập và điều kiện địa lý của các xã sáp nhập với nhau. Vậy về vấn đề này, tôi xin được nêu quan điểm cá nhân:
I- ĐẶT TÊN XÃ:
Qua nghiên cứu, tôi biết việc đặt tên các xã sau sáp nhập là dựa trên yếu tố truyền thống, lịch sử (dựa vào Lịch sử địa phương hoặc Địa chí của huyện và các xã). Chẳng hạn từ năm 1949 đã có các tên xã: Toàn Thắng (gồm: Ngô Xá, Hoàng Lương, Tiên Động), Xung Phong (gồm: Xương Thịnh, Cấp Dẫn, Tùng Khê), Phấn Đấu (gồm: Thụy Liễu, Khổng Tước, Văn Thê, Phượng Vỹ, Văn Bán), Phong Thịnh (Tạ Xá, Do Lục, Hương Lung, Sơn Tình),v.v... (Xem Mục lục – Lịch sử Đảng bộ huyện Cẩm Khê, 1947 – 2005).
Việc đặt tên (nhất là 3 xã: Xung Phong, Toàn Thắng, Phấn Đấu) đến thời điểm này xem ra không hợp lý, bởi các lý do như sau:
1- Giai đoạn đặt tên các xã này là thời kỳ chống Pháp. Trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh nên đặt như vậy để động viên và tạo thêm khí thế. Hơn nữa những người đặt tên chủ yếu theo cảm tính và chưa chú trọng đến Ngữ pháp Tiếng Việt – (đây là vấn đề khoa học). Ngữ pháp Tiếng Việt có chia ra 13 từ loại: Danh từ, Động từ, Tính từ, Đại từ, Số từ,... (ngoài ra còn có các từ loại khác).
Xin không đề cập đến 12 từ loại còn lại, mà chỉ xét đến từ loại DANH TỪ.
Về từ loại Danh từ, Ngữ pháp Tiếng Việt quy định như sau (Bách khoa toàn thư):
Danh từ là những từ chỉ người, sinh vật, sự vật, sự việc, khái niệm, hiện tượng,...
- Danh từ chỉ khái niệm: Đạo đức, người, kinh nghiệm, cách mạng,…
- Danh từ chỉ đơn vị: Ông, vị (vị giám đốc), cô (cô Tấm), cái, bức, tấm,…; mét, lít, ki-lô-gam,…; nắm, mớ, đàn,…;
Khi phân loại Danh từ tiếng Việt, trước hết, người ta phân chia thành hai loại: Danh từ riêng và Danh từ chung.
- Danh từ riêng: là tên riêng của một sự vật (tên người, tên địa phương, tên địa danh,..) (Tên người như: Nguyễn Văn A, Trần Thị B, Nguyễn Công Trứ, Lê Thánh Tông,... Tên địa phương, địa danh như: Phú Quốc, Hà Nội, Phú Thọ , Vĩnh Yên, Cẩm Khê, Thanh Ba...)
- Danh từ chung: là tên của một loại sự vật (dùng để gọi chung cho một loại sự vật). Danh từ chung có thể chia thành hai loại:
...vv...vv...
Vậy theo như quy định của Ngữ pháp Tiếng Việt thì đặt tên các xã phải là danh từ. Các tên: Xung Phong, Toàn Thắng, Phấn Đấu hoàn toàn là Từ loại Động từ.
2- Đặt tên: Xung Phong, Toàn Thắng,... nghe có vẻ hiếu chiến(!),mà điều đó ngày nay xu thế chung của thế giới là mong muốn hòa bình và trong tất cả các Tôn giáo được Nhà nước cấp Chứng nhận đăng ký hoạt động hiện nay như: Phật giáo, Công Giáo, Cao Đài, Tin Lành... đều có ước nguyện: "Từ, Bi, Hỷ, Xả", "Sống phúc âm giữa lòng dân tộc"...
3- Đến giai đoạn này, đất nước nói chung và các xã, huyện... đều phát triển mạnh mẽ về KT-VH-XH chứ đâu còn phải hô hào kiểu: Xung Phong, Tiến Lên... nữa. Và, đặt tên như thế này vô hình chung chạm đến lòng tự trọng của nhân dân các xã đó (cho dù lãnh đạo các xã đó có đồng ý đi chăng nữa thì những người làm khoa học, làm lãnh đạo ở tầm cao hơn cũng không thể đồng ý như vậy).
4- Tên gọi của một vài xã có sự hoán đổi so với truyền thống và lịch sử
Có nhiều tên xã mới phù hợp với truyền thống, lịch sử và gần gũi với nhân dân: Ví dụ Phương Xá, Phong Thịnh, Vạn Thắng,... nhưng cũng có xã xưa kia gắn với vùng này thì giờ lại đặt tên cho nơi khác.
Ví dụ như:
- Từ năm 1948 – 1953, cái tên xã Thanh Lâm gắn với vùng đất Phú Lạc – Chương Xá, chiếc cầu bắc qua ngòi nước ở giữa xã Phú Lạc gọi là cầu Thanh Lâm,thì bây giờ cái tên Thanh Lâm lại không được dùng cho 3 xã sáp nhập mới là: Phú Lạc – Chương Xá – Văn Khúc mà lại chuyển Thanh Lâm cho 3 xã mới là: Phú Khê – Yên Tập – Tạ Xá.
- Cái tên xã Nhật Tiến gắn bó với Tình Cương từ năm 1946 mà giờ đây 3 xã mới sáp nhập là: Tình Cương – Hiền Đa – Cát Trù lại phải dùng tên Hùng Việt (Hiền Đa từ năm 1903 cùng tổng với Tình Cương).
Hơn nữa, trong các văn bản quy định đặt tên, đổi tên: Ưu tiên những tên gọi đã có quen thuộc, đã gắn bó với lịch sử - văn hoá của dân tộc, của địa phương và đã ăn sâu vào trong tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ. Trường hợp không còn thấy phù hợp thì phải đổi tên, nhưng cần xem xét thận trọng.
Vậy thì theo tôi cũng nên thận trọng và phải có những hội nghị mở rộng hơn để có sự góp ý của các lãnh đạo huyện, xã, người cao tuổi (đại diện), nhân dân (đại diện), người hiểu biết (đại diện). Có như thế sau khi đặt tên xã mới không có những ý kiến trái chiều.
II- ĐIỀU KIỆN ĐỊA LÝ CỦA CÁC XÃ SÁP NHẬP:
Như trên đã nói, theo quy định khi đã có 03 xã sáp nhập với nhau thì không cần đến tiêu chí dân số và diện tích.
Vậy thì một số xã có lẽ cũng chưa thật sự hợp lý về điều kiện địa lý và phong tục:
* Phú Khê – Yên Tập – Tạ Xá: Không phù hợp phong tục (2 xã công giáo toàn tòng, 1 xã không công giáo)
* Phú Lạc – Chương Xá – Văn Khúc: Địa lý vòng vèo, quá dài
* Sơn Nga đưa về Thị Trấn xem ra chưa thật ổn
...vv...vv...
III- SUY NGHĨ CÁ NHÂN VỀ ĐIỀU KIỆN ĐỊA LÝ CỦA CÁC XÃ SÁP NHẬP:
1- Tuy Lộc – Tiên Lương – Ngô Xá (hợp lý)
2- Phượng Vỹ – Tam Sơn – Văn Bán (những xã có chung đặc điểm miền núi)
3- Phương Xá – Đồng Cam – Thụy Liễu – Phùng Xá (những xã có chung đặc điểm bằng phẳng, diện tích nhỏ).
4- Sơn Nga – Cấp Dẫn – Tùng Khê (ba xã cùng chung cánh đồng Mèn và như vậy có một chút sông nước ở Sơn Nga có thể phát triển tốt hơn về kinh tế cho cả 3 xã. Nhất cận thị, nhị cận giang.
5- Thị Trấn – Sai Nga – Thanh Nga (hợp lý)
6- Xương Thịnh – Sơn Tình – Phú Khê (vì Phú Khê một phần đã nhập về Thị Trấn, phần còn lại gần gũi với Sơn Tình).
7- Yên Tập – Tạ Xá – Hương Lung (tuy dài, rộng về diện tích và đông về dân số nhưng là 2 xã công giáo toàn tòng, 1 xã có đến 80% công giáo như Hương Lung,vậy người dân sinh hoạt thuận tiện và cấp trên chỉ đạo cũng thuận lợi).
8- Tình Cương – Chương Xá – Phú Lạc (có thể nói đây là một hình tam giác cân hoặc vuông mà đỉnh là Chương Xá. Hơn nữa 3 xã này xưa cùng tổng nên có mối quan hệ anh em gần gũi và phù hợp về lối sống).
9- Hiền Đa – Văn Khúc – Cát Trù (ba xã này cũng là một hình tam giác cân hoặc vuông mà đỉnh là Văn Khúc. Hơn nữa thời phong kiến ít nhất 2 xã: Cát Trù và Văn Khúc cùng tổng nên có mối quan hệ anh em gần gũi và phù hợp về lối sống).
10- Đồng Lương – Điêu Lương – Yên Dưỡng: Rất hợp Lý.
Xin trân trọng cám ơn.

Phú Lạc, 17-6-2019.
NGUYỄN CHÍ ANH

Không có nhận xét nào: