Thứ Ba, 27 tháng 8, 2013

Đồng Láng Chương

Đồng Láng Chương là cánh đồng lúa một vụ. Hết vụ lúa chiêm, nước từ các đồi núi đổ về, cánh đồng hoàn toàn ngập sâu trong nước. Cánh đồng thuộc sở hữu của các xã: Chương Xá, Tình Cương, Phú Lạc, Văn Khúc, nhưng diện tích chủ yếu thuộc về xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Trên cánh đồng này, có một địa danh nổi tiếng là Gò Thờ, tương truyền nơi đây thờ Bà Chúa Đâng-Quââng, rất thiêng. Gò có một cụm cây lộc vừng già, mà quê tôi gọi là cây vình, xếp theo hình mâm xôi trông rất đẹp mắt. Phía sau đền có 2 cây cọ xẻ cao vút tầm mắt. Mới đây, một cây đã bị đổ, nghe nói người Tàu giấu "của" đã sang đây dùng phép thuật lấy "của" dưới gốc cây cọ này. Và, dường như trong bất kỳ tâm thức người con Chương Xá xa quê nào cũng không thể quên những ký ức của riêng mình về cánh đồng này.
Các đại biểu về dự Lễ công nhận Cây Di sản Việt Nam chụp ảnh lưu niệm 
với các cháu thiếu nhi xã Chương Xá bên văn bia và quần thể lộc vừng 
tại Gò thờ, đồng Láng Chương, ngày 18-02-2013.
        Bỗng dưng tôi lại muốn rời thành phố này trở về nơi ấy quá…

NGUYỄN HỮU CẦU – ĐT: 0989738161 - www.nguoilangchuong.blogtiengviet.net

3 nhận xét:

Nguyễn Minh Huệ nói...

Quần thể cây vình (lộc vừng) cổ thụ 69 cây ở Gò Thờ, đầm Láng Chương, xã Chương Xá, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ là một di tích lịch sử. Nơi đây, địa phương đã thành lập ban quản lý thường xuyên đến trông nom Gò Thờ nằm giữa quần thể lộc vừng xanh mướt, tổ chức các hoạt động chăm sóc và bảo vệ cây, tu bổ ngôi mộ của Công Chúa Ngọc Hoa con gái vua Hùng có từ năm 1106 tại Gò Thờ. Sau khi quần thể lộc vừng cổ thụ được VACNE công nhận là cây di sản Việt Nam, ngày càng có nhiều du khách trong tỉnh đến tham quan, chiêm bái. Đến mùa, hoa lộc vừng đỏ rực rũ xuống đẹp tuyệt vời. Nhìn từ xa, quần thể lộc vừng trông giống mâm xôi giữa cánh đồng.

Nhật Minh nói...

Chẳng ai biết những cây lộc vừng khổng lồ này có từ bao giờ? Nhưng dấu tích trong lòng người dân quê tôi về Ngọc Hoa Công Chúa, con gái vua Hùng thì vẫn còn đó. Và, những thông điệp mỗi người nhận được từ những vòm lá, tràng hoa kia cũng khác nhau. Nhưng chắc chắn sẽ rất bổ ích cho tất cả mọi người và sẽ theo chúng ta suốt cả cuộc đời.
Nhà văn Bắc Sơn đã về thăm nơi đây với dòng cảm nhận: “Sự linh thiêng, huyền bí của Gò Thờ này cũng giống như những khu rừng thiêng của đồng bào miền núi được đời sống tâm linh của cộng đồng bảo vệ”. Các cụ bảo, đến mùa ra hoa, các ông về đây mà ngắm, trông cứ như mâm xôi gấc khổng lồ, thật là báu vật trời ban cho các làng Văn Khúc, Chương Xá, Tình Cương, Hiền Đa (thuộc huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) chỉ cách Hà Nội chưa đầy 100 cây số.

Unknown nói...

Người ta thích cái dáng sần sùi, cổ thụ. Thích cái màu đỏ may mắn, thích cả chữ lộc trời cho, thích chữ vừng nhiều không đếm xuể. Chơi lộc vừng được cả tên, cả dáng vẻ màu sắc. Có nơi gọi là cây mưng, còn nơi đây gọi là cây vình. Loại lộc vừng trong miền Nam lá to gấp mấy ngoài bắc, hoa trắng và dây hoa cũng ngắn hơn hoa lộc vừng ngoài Bắc nhiều. Bây giờ, lộc vừng cổ thụ trong rừng được đánh về trở trên các xe siêu trường, trồng nhiều bên các biệt thự, như cầu mong, như khoe sự giàu có của chủ nhân.
Trên một diện tích 3400m2 nổi thành một cái gò thấp giữa cánh đồng Láng Chương chiêm trũng (bà con Văn Khúc gọi là gò Vình, bà con Tình Cương gọi là gò Cọ Xẻ) là một vạt rừng lộc vừng chi chít 69 cây vạm vỡ, lực lưỡng hơn cả những cây trong khóm lộc vừng 9 (giờ còn 8 gốc) bên Hồ Gươm.
Quần thể lộc vừng với đủ các dáng vẻ đúng như sự đa dạng sinh học. Một bô lão vanh vách kể cho tôi nghe, có bao nhiêu cây vươn thẳng lên trời, bao nhiêu cây hướng lên phía bắc, hướng đông, hướng tây, hướng đông bắc, đông nam, tây nam,… nghĩa là các cụ thân thiết với chúng như biết rõ tính nết từng đứa con của mình.
Thế nó có từ bao giờ? Làm sao mà biết được? Chỉ biết nó có cùng với ngôi mộ của Công Chúa Ngọc Hoa con gái vua Hùng có đâu từ năm 1111 giờ vẫn còn kia, chữ nghĩa vẫn còn kia…
Thế sao bà con vẫn giữ được nguyên vẹn thế này trước nạn trộm cắp cây quý bán cho các đại gia ở thành phố? Chắc không phải chỉ vì khó khai thác vận chuyển giữa cánh đồng, phải qua đường làng quanh co, dân cư đông đúc, mùa mưa xung quanh gò lại ngập nước. Nhiều kẻ táo tợn đã đào trộm, cưa cắt mang đi, nhưng tất cả những kẻ ấy cuối cùng kiểu gì cũng đều bất đắc kỳ tử. Một cụ dẫn tôi tới đống gỗ ngổn ngang, đấy là kẻ trộm đã lấy mang đi, lo sợ quả báo, hay thánh thần trừng phạt nên lại mang trả lại.