Chủ Nhật, 1 tháng 9, 2013

Chợ quê

PTOCuộc sống làng quê tôi ngày xưa sôi động, náo nhiệt vui hơn lên nhờ những buổi hội làng. Cả những phiên chợ quê đáng nhớ cũng giúp chúng tôi yêu quê hương mình hơn.


Không những chỉ để mua bán những thứ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày, phiên chợ còn là lịch thời gian của vùng quê tôi khi chưa nhiều gia đình có tấm lịch treo trong nhà. Người làng tôi ai cũng nhớ những ngày phiên chợ quanh vùng, nhất là các bà, các chị, những người nội trợ trong gia đình. Riêng làng tôi một tháng có 9 phiên, phiên ngày lẻ. Ngoài việc nhớ ngày họp chợ người làng còn chuẩn bị hàng hóa, sản phẩm, hoặc dự định sẵn những đồ sẽ mua ở mỗi phiên chợ. Chợ phiên quê tôi họp trên một khu bãi rộng chừng 3.000m2 cạnh ngay tỉnh lộ qua làng. Chợ họp từ mờ sáng tới già trưa thì tan. Người mua kẻ bán cứ nhớ nơi quy định bày hàng mình bán, hay mua thứ mình cần. Những lều lán làm thành từng dãy cho từng loại hàng ít khi có phên vách, ngăn cách. Hàng nọ cách hàng kia có một lối đủ cho chủ hàng chen chân vào. Người đến chợ có thể nhìn từ đầu đến cuối dãy. Dãy hàng xén lặt vặt như: Bút vở, cái lưỡi câu, cuộn dây cước, cái gương, lược... Nhưng có lẽ thứ hàng phổ biến nhất vẫn là các sản phẩm nông nghiệp từ mớ rau, con cá, gà, lợn đến lúa ngô, khoai, sắn... thứ gì cũng có. Nhưng phong phú nhất vẫn là khu bán rau, quả… chiếm một góc lớn của chợ với rau tươi các loại: Cải bắp, cải bẹ, su hào, mướp, su su, đậu đũa, đậu côve… đầy sọt, đầy rổ, tạo nên một màu xanh non tươi ngọt ngào. Bước đến hàng bày bán quần áo, với nhiều màu sắc, chủng loại, kích cỡ của nhiều lứa tuổi. Các bà, các chị chào hỏi, mua, bán tíu tít với những tiếng cười, nói xởi lởi mời chào.
Đi dạo một vòng khắp chợ quê dễ bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ đội thúng trên đầu với vài nải chuối chín đi đi, lại lại hàng quà bánh như muốn tính toán giá hợp lý để mua thêm quà về cho con, cho cháu. Các em bé nhỏ theo mẹ, theo bà đi chợ một tay níu áo, một tay cầm tấm mía, cái kẹo que, nét mặt rạng ngời niềm vui. Ở một góc chợ, trẻ con xúm quanh vòng tròn quây lấy một ông già nặn con giống bằng những bột gạo nhuộm xanh, nhuộm đỏ. Dưới bàn tay thoăn thoắt của ông lão, lần lượt gà, lợn, trâu, bò rồi chim muông đủ loại thành hình. Ngoài ra, còn có những ông tướng mặt đỏ, râu dài, mắt xếch ngược… Ông nặn rất nhanh, véo tí bột này, thêm tí bột kia là đã xong một thứ. Những ánh mắt trẻ thơ háo hức như muốn nuốt cả không gian nhỏ bé ấy vào trong lòng.
Mặt trời dần lên cao, người đi chợ theo các ngả đã về dần. Các bà, các chị ai nấy đều quẩy một gánh rủng rỉnh với đủ các loại hàng mua được từ phiên chợ và yên tâm chờ đến phiên chợ sau.
Những phiên chợ của làng quê ta xưa, không những chỉ là nơi mua bán, trao đổi hàng hóa, sản phẩm, mà ở đó còn chứa đựng niềm vui, là những ngày hội của mùa màng đã thu hái xong. Trai gái làng này, làng kia rủ nhau đi chợ, tìm nhau gặp gỡ. Không chỉ là nếp sống sinh hoạt mà chợ phiên còn là nét văn hóa của cuộc sống nơi thôn dã, nhờ có phiên chợ mà cuộc sống văn hóa những làng quê cũng phong phú hơn lên. Chợ quê, là một nếp sinh hoạt trong làng, trôi theo ngày tháng êm đềm, lặng lẽ bên trong lũy tre xanh, trải từ đời này sang đời khác. Cuộc sống làng quê nhờ có cái góc nhỏ trao đổi, mua bán đó, mà tình làng, nghĩa xóm càng gắn bó với nhau hơn. Nó không hề mang tính chất thương mại nên lòng người bán, mua ở đây trung thực và trong sáng, đẹp hơn bất cứ cái chợ to nào và ở bất cứ nơi đâu.
        Làng quê hôm nay đã có những chợ với quy mô lớn và các mặt hàng hiện đại như ti vi, cát-sét, hàng đồ nhựa, đồ điện… bầy bán trong những gian  hàng xây cất khang trang. Nhưng cứ mỗi lần về quê, những hình ảnh phiên chợ làng ngày xưa ấy lại hiên lên... Ta níu áo mẹ đi chợ, đòi mua một con tò he, một cái cái bút chì để vẽ đôi quang gánh của bà, của mẹ. Hay mỗi khi mẹ đi chợ về đến cổng, ta chạy ra háo hức đón những món quà quê bé nhỏ như một chút bỏng ngô, bỏng nén, vài cái bánh đa hoặc một nải chuối tiêu, mấy quả ổi, vài tấm mía đã trở thành kỷ niệm của một thời tuổi thơ chân đất, đầu trần khiến lòng ta bồi hồi, ngơ ngẩn mỗi khi nhớ về.


GIANG NGÂNTheo: www.baophutho.vn

1 nhận xét:

Hoàng Lan nói...

Chợ Quê đối với người Việt chúng ta không phải chỉ là một cái chợ như siêu thị ở Âu Mỹ, mà là một nơi gói ghém nhiều hình ảnh thân thương, là một nét đặc thù văn hóa dân tộc. Chung chung thì chợ là nơi đổi chác buôn bán song mỗi làng có một sắc thái riêng. Chợ có thể chỉ là một bãi đất trống, vài nông dân đem nông phẩm thặng dư của mình ra đó đổi chác cho nhau rồi từ từ thu hút người mua kẻ bán hàng ngày hoặc theo định kỳ mà thành cái chợ hay chợ phiên. Chợ còn là nơi để trai gái hò hẹn, đặc biệt là chợ phiên ở vùng cao.

Anh về hái đậu trẩy cà
Để em đi chợ kẻo mà lỡ phiên
Chợ lỡ phiên tốn công thiệt của
Miệng tiếng người cười rỡ sao nên
Lấy chồng phải gánh giang sơn
Chợ phiên còn lỡ, giang sơn còn gì ? .