Thứ Hai, 6 tháng 5, 2019

Bút Tre không hề lẫn với bất kỳ ai

Bút Tre – Đặng Văn Đăng đã cất lên một phong cách thơ không hề lẫn với bất kỳ ai, thậm chí có thể tôn vinh ông là chủ soái của một trường phái thơ mang tên Bút Tre cũng không có gì là quá...


Sáng 18-11-2018, UBND huyện Cẩm Khê tổ chức khánh thành Khu lưu niệm nhà thơ Bút Tre tại quê nhà của ông ở xã Đồng Lương. Trước đó, Trường Đại học Hùng Vương phối hợp với Sở VH - TT&DL, Hội Liên hiệp VHNT tỉnh và UBND huyện Cẩm Khê tổ chức Hội thảo khoa học Di sản Bút Tre với chủ đề Thân thế, sự nghiệp và sức sống của thơ Bút Tre, những vấn đề nghiên cứu và giải pháp bảo tồn – phát huy.
Với quyết tâm và trong không khí lao động, sản xuất thời kỳ đó, rồi trong các cuộc vui, trong những lần mệt mỏi đường dài hành quân, những lần hội họp bình dân… chúng ta không có thơ Bút Tre thì tin rằng cái đói sẽ đói hơn, cái rét sẽ càng rét thêm, cuộc vui sẽ kém vui… Chính tinh thần Tiếng hát át tiếng bom do chính Bút Tre khởi xướng rồi cả nước cùng làm theo cứ tưởng là không liên quan đến thơ ông, nhưng tôi nghĩ đó chính là tuyên ngôn thơ của Bút Tre.
Xét đến tận cùng, thơ Bút Tre phần nhiều là để tuyên truyền, vận động mọi người, mọi nhà hăng say sản xuất. Cái lõi của vấn đề ở đó nên thơ ông thường nôm na, dễ đọc, dễ thuộc, dễ gây cười vào đặc biệt là… dễ lây lan. Bút Tre đi sâu, đi sát đến từng mái nhà, ngõ xóm để khuyến khích, vận động từng người, từng nhà chăm lo, hăng hái sản xuất để phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bút Tre – Đặng Văn Đăng đã cất lên một phong cách thơ không hề lẫn với bất kỳ ai, thậm chí có thể tôn vinh ông là chủ soái của một trường phái thơ mang tên Bút Tre cũng không có gì là quá.
Bút Tre là người con của miền đất Tổ Phú Thọ. Cho đến nay, ngoài “cụ” Bút Tre xưa thì ngày nay đã có trăm ngàn Bút Tre trẻ” và còn nhiều hơn thế nữa. Bút Tre nhiều hậu duệ đến nỗi bây giờ nếu không phải là người gần ông thì sẽ không thể phân biệt được ai, thơ nào là của tác giả và thơ nào của tác thật. Đã có nhiều lý giải về hiện tượng con đàn cháu đống của hậu duệ Bút Tre nhưng tôi nghĩ rằng, trong nhiều lý do thì lý do sát đúng nhất có lẽ là thơ Bút Tre đã tiệm cận sát đúng nhất đến mạch nghĩ, cảm quan và lời ăn, tiếng nói của tầng lớp nông dân – bình dân. Chính vì thế mà thơ Bút Tre tồn tại, phát triển và sẽ còn trường tồn vì tiếng cười vui sống trong dân gian sẽ không bao giờ tắt khi còn những người lao động. Vì chỉ có tiếng cười trong lao động mới là tiếng cười hồn nhiên, sảng khoái nhưng không kém phần thâm thúy nhất.
Tôi nghĩ môi trường diễn xướng trong thơ Bút Tre gần với truyện Tiếu Lâm. Thường thì người ta đọc truyện Tiếu Lâm tủm tỉm cười một mình và sau đó hễ có dịp đông người (nếu có thêm phụ nữ nữa càng tốt) thế là họ kể chuyện Tiếu Lâm. Từ một câu chuyện của một người kể ban đầu, sẽ kéo theo nhiều câu chuyện kể khác, tạo nên tiếng cười tập thể. Thơ Bút Tre cũng thế, người khởi xướng sẽ đọc một vài câu thơ theo trường phái Bút Tre, sau đó rất nhanh sẽ có người ứng tác ra những câu thơ theo trường phái đó. Ở đây ta thấy, những câu thơ ban đầu của Bút Tre như là những khuông nhạc, những người sau chỉ cần thay lời sẽ được những bài hát mới. Chúng ta đọc mấy câu thơ sau là ai cũng nghĩ ngay đến Bút Tre, nhưng bản thân người viết cũng không thể biết được đâu là thơ của Bút Tre - Đặng Văn Đăng và đâu là của những Bút Tre khác:

      Thi đua ta quyết tiến lên
Tiến lên, ta quyết tiến lên hàng đầu
      Hàng đầu không biết đi đâu
Đi đâu không biết, hàng đầu cứ đi.

      Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên...
Giáp ta thắng trận Điện Biên lẫy lừng.

      Làng ta có cái núi Voi
Đủ cả đầu đuôi đủ cả vòi
      Voi cũng hăng say đua sản xuất
Đầu thì trồng sắn, đít trồng khoai.

      Phụ nữ thường rất hay lươi (lười)
Riêng em, anh thấy là người cần cu (cần cù)

      Một lần đến nghỉ Tam Đao (Tam Đảo)
Loanh quanh không biết chỗ nào để ngu (ngủ)
      Một giường bố trí hai cù (cụ)
Mỗi cu (cụ) kiếm một cái mu (mũ) gối đầu.

      Ngày nay khắc phục gian kho (gian khó)
Ngày mai mới có ấm no tương lài (tương lai).

      Liên Xô rất đỗi tự hào
Anh Ga-Ga-Rỉn (Ga-ga-rin) bay vào vũ tru (vũ trụ).

      Mời anh vào quán ka-ra 
Ô-Kê em đã mở ra sẵn sàng.

      Mấy em mặc váy đánh cầu…
Lông bay phất phới trên đầu các anh.

      Tại vì em chẳng có kinh… 
Nghiệm nên không thể một mình giúp anh.

Bút Tre giỏi tiếng Pháp, đọc thơ Pháp và dịch được cả thơ Pháp. Ông từng học Trường Bưởi rồi đi dạy học, viết văn, viết báo nên nếu nói Bút Tre không biết làm thơ và làm sai thơ thì chắc không đúng. Có thể ban đầu trong những câu ứng khẩu, ông đã ứng ẩu, ứng vội nhưng sau đó thì rõ ràng ông đã có chủ ý muốn làm một lối thơ riêng, không giống ai.
Điều này chúng ta thấy rất rõ khi ông bị những thầy cô giáo dạy văn ở một trường cấp ba của tỉnh nhà làm một cuộc hội thảo để chê thơ ông, ông vẫn vui cười, hay có lần ông bị nhà thơ Tố Hữu và Hà Xuân Trường triệu lên muốn chấn chỉnh và giảng mấy đường cơ bản về thơ cho ông thì ông đã nói: Các anh làm thơ bác học, còn tôi thì làm vè tuyên truyền ở địa phương Phú Thọ thôi. Ông tự nhận những gì mình làm chỉ là vè và chỉ phổ biến khu biệt ở vùng Phú Thọ thôi và ai muốn đọc thì đọc, còn không muốn đọc thì thôi.
Ông nhận thế nhưng hình như không phải thế, ông vẫn làm theo cái lối thơ vè đó, để đến ngày nay thơ vè của ông không chỉ ở Phú Thọ mà đã lan ra cả nước, thậm chí là ra cả nước ngoài. Và, tôi tin nơi nào có người Việt sinh sống thì ở đó trường phái thơ Bút Tre tồn tại và phát triển.
Thơ Bút Tre về cơ bản đều dễ đọc, dễ thuộc và dễ hiểu. Đặng Văn Đăng đương nhiên là chủ soái của một trường phái thơ mang tên Bút Tre. Thời nào, thế hệ nào cũng có nhiều người làm thơ, chính vì thế với Đặng Văn Đăng hình như trên vai ông vẫn còn gánh vác một trọng trách vô cùng to lớn – đó là đưa tiếng cười đến với mọi người để mọi người vui sống, lao động và sáng tạo. Mà còn con người, còn lao động sáng tạo thì sẽ mãi còn tiếng cười.
Người xưa nói: Con chim sắp chết hót tiếng hay, con người sắp chết nói lời phải. Để kết thúc bài viết này, tự nhiên tôi muốn giới thiệu bài thơ cuối cùng của nhà thơ Bút Tre Đặng Văn Đăng, khi nằm nghe tiếng đục, tiếng tràng của thợ mộc đang đóng quan tài cho mình, ông đã làm hai bài thơ. Xin giới thiệu bài thơ cuối cùng của ông để bạn đọc cùng suy ngẫm:

Tôi dặn tiễn tôi xuống suối vàng
Thưa kèn, giảm trống chẳng đò ngang.
Cơ quan, xã hội ngừng phúng điếu
Họ hàng thân thuộc chút khăn tang.

Thật đúng là: “Sống là cho và chết cũng là cho”.

NGUYỄN THẾ HÙNG
(Văn nghệ Công an)

Không có nhận xét nào: