Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Thực hư rùa đá canh “kho vàng” Gò Thờ ở Phú Thọ

        (Kienthuc.net.vn) - Bí ẩn về hai con rùa đá ẩn mình dưới lòng đất Gò Thờ (Phú Thọ) đang dần lộ diện, càng khiến cho dân làng tin rằng, rùa đá là thần giữ "kho vàng" nên không dám động chạm. 
        Gò Thờ 1.000 tuổi
       Gò Thờ có diện tích khoảng 500m2 nằm trên một mô đất chơ vơ giữa cánh đồng trũng Láng Chương. Theo sử liệu còn lưu giữ, trong Gò Thờ có một ngôi mộ của công chúa Tiên Dung và mẹ Trần Thị Quế, mộ được xây dựng vào tháng 10/1061. Xung quanh Gò Thờ mênh mông nước và bạt ngàn hoa súng. 
        Từ khi ngôi mộ của công chúa Tiên Dung được xây dựng, bỗng dưng quanh gò mọc lên rất nhiều cây lộc vừng, tạo thành hình mâm xôi ngay giữa cánh đồng trũng. Ở phía Bắc của gò có hai cây cọ cao lớn tựa như hai người lính gác cổng. Điều kỳ lạ là trải qua hàng trăm trận mưa gió, lũ lụt nhưng Gò Thờ vẫn không bị thay hình đổi dạng, ngược lại những cây lộc vừng và hai cây cọ lại càng phát triển tươi tốt.


Gò Thờ nằm trong tán cây lộc vừng 
như mâm xôi giữa đầm Láng Chương.

        Theo nhiều người dân địa phương, ở giữa hai cây cọ có hai con rùa đá ẩn mình dưới lòng đất, hai con rùa này là vật yểm bùa để trông giữ "kho vàng" được chôn dưới vị trí hai gốc cây cọ.
        Ông Phạm Thành Quả, người dân khu 2 xã Chương Xá dẫn chúng tôi đến Gò Thờ, ông lượn một vòng quanh ngôi mộ cổ rồi dùng tay phủi những chiếc lá đi cho sạch. Ông cho biết: "Ngôi mộ cổ này được xây bằng đá ong, dài 2,5m cao 2m. Đá ong là loại vật liệu có thể chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, thế nên qua ngàn năm mà ngôi mộ vẫn vững chãi, hoa văn trên lăng mộ vẫn còn nguyên như cũ, ngoại trừ phần móng có bị bào mòn một chút do sóng nước đánh. Cách đây mấy năm, dân chúng tôi trùng tu lại lăng mộ và xây cao thêm một chút nữa trong khi vẫn giữ nguyên hình khối, hoa văn cổ xưa để lăng mộ được đẹp đẽ, khang trang".
        Khi dẫn chúng tôi ra chỗ hòn đá "nổi lên" khỏi mặt đất, ông Quả run run không dám động tay vào. Ông bảo: "Hòn đá này có thể là mai của rùa đá trong huyền thoại mới nổi lên, tốt nhất là không nên động vào vì nó rất linh thiêng. Nếu không may phạm phải thì sẽ ốm đau, bệnh tật gia đình không yên ấm. Hai con rùa này trước đây không ai biết đến, nó chỉ có trong những truyền thuyết được lưu truyền tại địa phương, thế nhưng cách đây mấy năm, mưa lũ đá làm lộ ra một mỏm đá được đẽo gọt trơn tru, chúng tôi tin rằng, mỏm đá này chính là rùa đá có trong truyền thuyết đang dần lộ diện".

Theo ông Phạm Thành Quả thì mỏm đá lộ thiên có thể là rùa đá 
mà dân làng đồn đại suốt mấy trăm năm. 

         Gò giấu vàng?
        Theo nhiều người dân địa phương thì ở Gò Thờ có một chum vàng được chôn dưới một trong hai gốc cây cọ cổ thụ cạnh rùa đá.
        Ông Trần Văn Trọng, Trưởng thôn Dốc Ngát cho biết: "Cách đây khoảng 20 năm, có một người lạ mặt đến Chương Xá xin ở nhờ. Mới đến nơi, người này đã hỏi thăm xem khu vực nào có nhiều cây lộc vừng để đến tham quan. Có người thật thà đã chỉ ra Gò Thờ, đồng thời còn kể tỉ mỉ những câu chuyện được lưu truyền trong dân gian cho người này nghe. Đến đêm, người đàn ông lạ mặt này đã lén lút ra chỗ gốc cọ cổ thụ đào một lỗ to làm cây cọ đổ. Sáng sớm hôm sau, người dân thấy hiện tượng bất thường liền lập tức báo cho chính quyền để truy lùng kẻ lạ mặt dám cả gan đào bới nơi linh thiêng. Không rõ chính quyền có bắt được kẻ lạ mặt dám đột nhập Gò Thờ hay không, nhưng sau đó, những lời đồn thổi về việc một chum vàng đã bị lấy cắp cứ lan truyền ra khắp trong làng, ngoài xã".
        Ông Quả dẫn chúng tôi đến chỗ có phiến đá nổi lên rồi trầm trồ kể lại: "Khi chúng tôi phát hiện ra gốc cọ đổ thì thấy một điều rất lạ là cây cọ chỉ có vài ba cái rễ chùm yếu mềm ăn nông trên mặt đất, thế mà trải qua hàng trăm năm với rất nhiều trận bão, lũ mà cây vẫn không bị đổ cho đến khi bị kẻ lạ mặt đào gốc...".


Những cây lộc vừng mọc bên Gò Thờ 
được người dân giữ gìn như vật báu.

        Trước đó, cũng có vài người ở nơi khác đến dò tìm cổ vật nhưng chẳng ai được gì. Nhiều người cho rằng, mấy chum vàng được yểm bùa cẩn mật, muốn lấy được vàng chỉ có một cách duy nhất là phải biết cách hóa giải bùa yểm ở đó.
        Sau sự việc một người lạ mặt đào trộm Gò Thờ cách đây khoảng 20 năm, nhiều người dân trong xã Chương Xá cho rằng, có thể kẻ lạ mặt đột nhập Gò Thờ là người nắm giữ bí mật về "kho vàng" chôn giấu dưới lòng đất. Có lẽ người này có gia phả vẽ sơ đồ chôn vàng và cách hóa giải bùa yểm ở nơi đồng chiêm nước trũng.
        Theo cụ Trần Văn Bách, 80 tuổi ở gần Gò Thờ thì người dân địa phương không ai dám đụng đến gò thiêng này. Người dân địa phương vốn có truyền thống ăn lá lộc vừng và chế biến loại lá này thành món ăn độc đáo, bổ dưỡng. Thế nhưng vào mùa xuân, khi những cành lộc vừng ra lá non, người dân chỉ đi vòng quanh thèm thuồng chứ tuyệt đối không ai dám hái lá non về ăn. Có đợt nhìn cảnh những cây lộc vừng xung quanh bị cắt lá non trụi hết mà những tán lộc vừng trong Gò Thờ vẫn còn nguyên tạo nên một khung cảnh thật đối lập, nhưng điều đó đủ để nói lên sự linh thiêng và sùng kính của người dân địa phương đối với Gò Thờ. Vào mùa hoa lộc vừng, Gò Thờ đỏ au giống như mâm xôi gấc đặt giữa một cánh đồng mênh mông nước.
        "Hiện nay, người dân trong thôn vẫn phân công nhau quét dọn, nhang khói cho Gò Thờ để cầu mong may mắn, bình an. Còn những chuyện về kẻ lạ mặt đột nhập vào Gò Thờ là có thật, tuy nhiên kẻ lạ mặt có đào được vàng hay không, nhiều hay ít thì không ai biết chính xác".
Ông Trần Văn Trọng (Trưởng thôn Dốc Ngát)  


THÁI DƯƠNG - Theo: www.kienthuc.net.vn

Không có nhận xét nào: