Thứ Hai, 21 tháng 7, 2014

Tình Cương trên đường xây dựng nông thôn mới

PTO – Đi ngược Quốc lộ 32  lên huyện Cẩm Khê, nhìn vào khu trung tâm xã Tình Cương – nơi có trụ sở, trạm y tế và các trường học khang trang vào bậc nhất, nhì các xã hữu ngạn sông Thao – đôi khi người ta có cảm giác đó là hình ảnh tượng trưng của nông thôn mới. Tuy nhiên những công trình này chưa hoàn toàn được xây dựng từ nguồn lực tại chỗ, mà chủ yếu do tài trợ của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Đó mới chỉ là những gì mà những người con của Tình Cương mong muốn mang về xây dựng quê hương. Thực tế, Tình Cương vẫn là xã nghèo của huyện Cẩm Khê khi sản xuất nông nghiệp, thủy sản vẫn là chính và thu nhập bình quân năm 2013 của người dân mới đạt 13 triệu đồng/ người.

Trung tâm Y tế Giáo dục xã Tình Cương.
Lần đầu chúng tôi về xã Tình Cương huyện Cẩm Khê vào dịp sau Tết Giáp Ngọ khi địa phương vừa hoàn thành bê tông hóa con đường nối từ Quốc lộ 32 vào khu Hanh Cù và khu Gò Đình để tiện cho việc đi lại và sản xuất của nhân dân. Trên cánh đồng mẫu lớn diện tích ngót trăm ha của xã, khi ấy bà con đang tấp nập gieo cấy theo phương thức “cùng giống, cùng thời vụ, cùng chế độ chăm sóc” để hình thành thói quen sản xuất hàng hóa cho nông dân.
Khi ấy, nói về kết quả thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, ông Trần Kim Hải, Bí thư Đảng ủy xã, xác nhận: Dù đã cố gắng phát huy nội lực, đồng thời tranh thủ sự đầu tư của tỉnh, huyện và các nguồn lực từ bên ngoài, nhưng Tình Cương mới chỉ đạt 12/19 tiêu chí xã nông thôn mới. Ngoài tiêu chí rất căn bản, có tính động lực là nâng cao thu nhập cho nhân dân, thì các tiêu chí về phát triển giao thông, thủy lợi, chợ, nhà văn hóa, tỷ lệ lao động qua đào tạo, vệ sinh môi trường... đang là thách thức đối với địa phương.
Sau “ba tháng trông cây”, trên mô hình “cánh đồng mẫu lớn” đầu tiên của huyện Cẩm Khê, người dân Tình Cương phấn khởi thu hoạch vụ lúa chất lượng cao với năng suất đại trà 180 kg/sào. Tuy năng suất chưa phải là cao nhưng đã góp phần hình thành tư duy sản xuất nông nghiệp hàng hóa cho nông dân Tình Cương.
Gặp lại Bí thư Đảng ủy xã, anh mau mắn phô chuyện: Cuối tháng 6 vừa rồi, xã khởi công làm hơn 1km đường liên xã từ khu Đõ vào xã Phú Lạc. Nền đất cấp phối nhưng mặt đường bê tông rộng 5 m, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Trước đó đường từ Quốc lộ 32 đi khu 4 và đường liên khu 4, liên khu 2, liên khu 6, 7, 8, 9 đều đã được bê tông hóa. Trong phong trào làm giao thông nông thôn, đã có 103 hộ hiến đất làm đường với diện tích 2.524 m2 và 1.565 m2  tường rào không yêu cầu bồi thường. Thêm nữa, Trường Tiểu học Tình Cương vừa được công nhận chuẩn mức độ 2, các khu dân cư đều có nhà văn hóa, y tế đã đạt xã chuẩn giai đoạn 2011 – 2015. Việc đưa tiến bộ kỹ thuật sản xuất được chú trọng với 3 mô hình đầu tư đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, 2 mô hình dịch vụ sản xuất.
Là xã thuần nông, nhưng do chuyển biến về tư duy kinh tế nên một bộ phận lao động địa phương đã chuyển từ trồng trọt sang chăn nuôi, thủy sản, kinh doanh thương mại, dịch vụ, làm ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp. 23 hộ đã tham gia nuôi trồng thủy sản với diện tích mặt nước 16 ha; một số hộ làm nghề xây dựng, mộc, vận tải; trong đó có một doanh nghiệp tư nhân là Công ty CP Phúc Hưng với 70 đầu xe vận tải hàng hóa và hành khách, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Duy trì sản xuất nông nghiệp; mở rộng thương mại, dịch vụ, ngành nghề thủ công năm 2014, Tình Cương phấn đấu đảm bảo cơ cấu kinh tế: Nông nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ với tỷ lệ tương ứng 58 – 21 – 21 (%); nâng thu nhập bình quân từ 13 triệu lên 14,5 triệu đồng/ người; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ hơn 8 xuống 7%. Đồng thời, xã chú trọng giải quyết vấn đề giảm thiểu tai nạn giao thông, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa tệ nạn – là vấn đề bức xúc tồn tại từ năm 2013 trên địa bàn.

NGUYỄN VĂNTheo: www.baophutho.vn

Không có nhận xét nào: