Thứ Năm, 2 tháng 6, 2016

Cựu chiến binh Đỗ Văn Huệ thoát nghèo từ nghề sửa chữa máy

Về khu Xóm Chùa, xã Tình Cương, hỏi cựu chiến binh Đỗ Văn Huệ, người chuyên sửa chữa máy xúc ủi và chế tạo máy, người dân nơi đây nhiệt tình chỉ dẫn và giới thiệu xưởng của ông. Ngoài đam mê sáng tạo, ông còn được nhiều người khâm phục bởi ý chí vượt khó làm giàu, mỗi năm cho thu nhập vài trăm triệu đồng.


Ông Đỗ Văn Huệ, tham gia quân ngũ từ năm 1978 đến năm 1988. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, trở về địa phương, cuộc sống gia đình còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với phẩm chất của “Bộ đội cụ Hồ”, ông cùng gia đình đã phấn đấu vượt lên tất cả. Ông đã từng nhận thầu 20 ha đất bồi bãi ven sông để trồng ngô nhưng thất bại. Với kiến thức kỹ năng về cơ khí đã học trong quân đội, ông chuyển sang đi làm thuê sửa máy ở các nơi.
Đến năm 2003, nhận thấy nhu cầu sửa chữa máy móc thi công cơ giới trên địa bàn ngày càng lớn, mỗi lần máy hỏng phải mang đi xa nên ông đã bàn bạc với vợ con quyết định mở xưởng ngay tại nhà mình. Ban đầu ông  vay ngân hàng 40 triệu đồng đầu tư mua các loại máy móc, dụng cụ sửa chữa, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, làm được đến đâu đầu tư vào mua máy móc đến đấy, đến nay xưởng sửa chữa của ông có một hệ thống máy móc  sửa chữa hiện đại trị giá gần 2 tỉ đồng phục vụ cho việc sửa chữa, tạo công ăn việc làm cho 9 công nhân, chủ yếu là con em cựu chiến binh và lao động địa phương với mức lương từ 6 đến 8 triệu đồng/người/tháng.
Anh Nguyễn Ngọc Phượng – công nhân cho biết: “Em làm ở đây lâu năm, em thấy công việc tương đối ổn định, mức lương đảm bảo, em sẽ gắn bó công việc ở đây lâu dài”.
Với tính cần cù, sáng tạo, ham học hỏi, ông còn mày mò, nghiên cứu, chế tạo ra những sản phẩm mới. Đặc biệt trong năm vừa qua, ông đã sáng chế ra dây chuyền sản xuất gạch tuy nen công nghệ ép khô, giúp tiết kiệm nhân công. Ông đã bán công nghệ cho lò sản xuất gạch ở địa phương với giá trị gần 4 tỷ đồng. Xưởng sửa chữa của ông sau khi trừ chi phí một năm cho thu nhập trên 500 triệu đồng. Trong thời gian tới ông sẽ mở rộng xưởng sản xuất của mình.
Ông Đỗ Văn Huệ, Cựu chiến binh khu Xóm Chùa, xã Tình Cương nói: “Trong thời gian tới tôi sẽ quy hoạch lại xưởng, mở rộng sản xuất, tập trung chủ yếu vào ngành cơ khí chế tạo các loại máy móc, để nâng cao hiệu quả lao động cho con người”.
Không chỉ làm giàu cho mình mà ông đã tích cực giúp đỡ con em trong Hội và bà con địa phương công ăn việc làm. Ngoài ra ông tích cực tham gia công tác hội và các phong trào địa phương cũng như các hoạt động nhân đạo từ thiện.
Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tình Cương cho biết: “Đồng chí Huệ là cựu chiến binh vượt khó làm giàu, tự mày mò nghiên cứu sáng chế ra nhiều sản phẩm, tạo công ăn việc làm cho một số con em trong xã, trong khu và con em trong Hội Cựu chiến binh, làm giàu chính đáng. Từ điểm sáng của cựu chiến binh Huệ, trong thời gian tới chúng tôi sẽ tuyên truyền KHKT cho hội viên trong xã, từ kinh nghiệm của đồng chí Huệ tạo đà cho các hội viên trong xã phát triển kinh tế làm giàu chính đáng”.
Có thể nói, phát huy phẩm chất của “Anh Bộ đội Cụ Hồ”, những người lính năm xưa giờ đây trở về địa phương lao động cần cù, sáng tạo, tích cực lao động sản xuất để làm giàu cho gia đình và tham gia xây dựng quê hương, Cựu chiến binh Đỗ Văn Huệ, khu Xóm Chùa, xã Tình Cương là một trong những con người như thế, góp phần tô thắm thêm hình ảnh của người lính Cụ Hồ, xây dựng quê hương đất nước giàu đẹp.

MẠNH THUẦN

Không có nhận xét nào: