Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2016

Lan tỏa hát Xoan trong vùng đồng bào dân tộc

Sau 5 năm triển khai chương trình hành động nhằm bảo tồn, phát huy di sản “Hát Xoan Phú Thọ”, hát Xoan đã có sức lan tỏa mạnh mẽ khắp 13 huyện, thị, thành và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa.

Hát Xoan có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng các dân tộc huyện Thanh Sơn.

Cùng với các phường Xoan gốc, số lượng các câu lạc bộ hát Xoan trong tỉnh tăng nhanh với hơn 30 câu lạc bộ cấp tỉnh có sự tham gia của trên 1.200 thành viên và nhiều câu lạc bộ ở các huyện. Đặc biệt là ở các huyện miền núi, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Tân Sơn, Thanh Sơn, Yên Lập, Đoan Hùng, Thanh Thủy, thông qua các CLB hát Xoan, đồng bào dân tộc Mường, Dao, Mông, Cao Lan không chỉ bảo tồn và phát huy nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình… mà còn biết thêm một nét văn hóa đặc sắc, di sản văn hóa quý báu của vùng Đất Tổ là Hát Xoan.
CLB hát Xoan và dân ca Phú Thọ thị trấn Thanh Sơn thu hút hơn 40 thành viên tham gia. Những tiết mục hát Xoan được các thành viên hăng say tập luyện với niềm đam mê, trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn di sản quý báu của quê hương. Thành viên CLB ở các độ tuổi và nghề nghiệp khác nhau nhưng có một  điểm chung là say mê các làn điệu hát Xoan, mong muốn được đóng góp một phần vào công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa để hát Xoan lan tỏa ở huyện miền núi Thanh Sơn.
Hiện nay, huyện Thanh Thủy đã thành lập được 57 câu lạc bộ hát Xoan, trong đó có 4 câu lạc bộ hát Xoan cấp tỉnh, các CLB duy trì sinh hoạt đều đặn, hoạt động có hiệu quả, góp phần gìn giữ, quảng bá hát Xoan đến đồng bào dân tộc và mọi tầng lớp nhân dân.
Câu lạc bộ hát Xoan và dân ca Phú Thọ huyện Yên Lập với tổng số 87 hội viên và đội văn nghệ của các xã trong huyện thường xuyên duy trì lịch sinh hoạt hàng tháng, tập luyện nhiều tiết mục hát Xoan, các tiết mục văn nghệ truyền thống của đồng bào các dân tộc, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn huyện.
Sự phát triển của các câu lạc bộ hát Xoan trong tỉnh, đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, đã cho thấy sức sống mãnh liệt và sự lan tỏa mạnh mẽ của hát Xoan đồng thời khẳng định những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc của Phú Thọ trong việc bảo tồn, phát huy, góp phần đưa di sản văn hóa Hát Xoan sớm ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

PHƯƠNG THANHTheo: www.baophutho.vn

Không có nhận xét nào: