Thứ Năm, 8 tháng 5, 2014

Khai mạc Đại lễ Phật đản Vesak 2014

Sáng nay 08-5-2014, Đại lễ Phật đản Vesak 2014 đã khai mạc trang trọng tại chùa Bái Đính (Ninh Bình) với sự tham dự của gần 2.000 đại biểu quốc tế đến từ 95 quốc gia và vùng lãnh thổ.


Lễ khai mạc được mở đầu bằng chương trình văn nghệ tại hội trường chính. Chương trình khai mạc diễn ra với nhiều hoạt động, thông điệp của Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thông điệp của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon, thông điệp của nguyên thủ các quốc gia láng giềng như Sri Lanka, Quốc vương Campuchia Sihamoni...
Phát biểu chào mừng Đại lễ Phật đản Vesak 2014, Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu nhấn mạnh: “Thế giới của chúng ta ngày nay đang đối diện với hàng loạt các khủng hoảng và thiên tai không dự đoán được, các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc trong bối cảnh này trở nên có ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Giải quyết nghèo đói, xóa nạn mù chữ, thúc đẩy phát triển, thực thi công bằng xã hội trong một thế giới đầy rẫy mâu thuẫn, xung đột, khủng bố đe dọa và bạo lực dân tộc… đã trở thành nhu cầu bức thiết nhằm nỗ lực và kế hoạch hóa thường xuyên theo hướng bền vững ở cấp quốc tế.
Duy trì và phát triển hòa bình lâu dài trong xã hội và đời sống của các cá nhân đã trở nên quan trọng, mà trên thực tế là những thách đố toàn cầu rất nghiêm trọng. Điều đó sẽ nhấn mạnh việc “Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc”.
Trong thông điệp gửi tới Đại lễ, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Ban Ki Moon đã nói: Tôi đặc biệt hoan nghênh chủ đề của Đại lễ Vesak lần này tại Việt Nam và mong muốn của quý vị trong việc khám phá những quan điểm Phật giáo nhằm đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Vì những lời dạy của Đức Phật có giá trị vĩnh cửu, nên trong thời đại ngày nay quan điểm Phật giáo vẫn có giá trị khi chúng ta thúc đẩy nỗ lực để đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ và đưa thế giới vào một con đường phát triển công bằng và bền vững hơn.
Thông diệp này kêu gọi chúng ta mở rộng trái tim và vòng tay cho đồng loại của mình, đặc biệt là những người đang thiếu thốn. Tại một thời điểm căng thẳng đang gia tăng ở nhiều nơi trên châu Á và các nơi khác, những giáo lý vượt thời gian này có thể giúp hướng dẫn các chính phủ và cộng đồng quốc tế. Giáo lý cao quý này có thể truyền cảm hứng cho những nỗ lực của chúng ta để giải quyết những thách thức lớn hơn đang đối mặt với thế giới của chúng ta - từ xung đột, bất bình đẳng đến sự biến đổi khí hậu.
Trong mỗi lĩnh vực này, chúng ta phải vượt lên trên những lợi ích cá nhân hẹp hòi, để suy nghĩ và hành động như những thành viên của một cộng đồng quốc tế. Vào ngày này của Đại lễ Phật đản, chúng ta hãy cam kết làm việc cùng nhau vì lợi ích chung, và cho sự tiến bộ của toàn thể nhân loại. Xin cảm ơn quý vị đã cam kết cho những lý tưởng này, và kính chúc quý vị một Đại lễ Vesak an lạc và đáng nhớ".
Tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: Thay mặt cho Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam, nước chủ nhà đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc 2014, tôi xin gửi tới tất các quý vị khách quý cùng toàn thể tăng ni, Phật tử Việt Nam trong và ngoài nước lời chúc tốt đẹp trong tình thân ái, hữu nghị và đoàn kết.
Đại lễ Phật đản Liên hợp Quốc năm 2014 được tổ chức tại Việt Nam, đất nước đa tôn giáo mà đạo Phật là tôn giáo có mặt sớm trên đất nước này từ gần 2.000 năm về trước, trong suốt chiều dài lịch sử ấy Phật giáo luôn gắn bó đồng hành cùng Dân tộc, luôn tỏ rõ phương châm nhập thế gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì mục tiêu hạnh phúc an vui cho con người.
Mục tiêu cao cả ấy càng rõ nét và càng đạt được thành quả lớn lao qua vai trò thực hiện và hướng dẫn thực hiện có hiệu quả của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Việt Nam hôm nay với chủ trương phát huy tối đa nội lực, đồng thời tôn trọng và sẵn sàng tiếp nhận sự hỗ trợ của bạn bè quốc tế, Việt Nam sẵn sàng mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác với các nước và cộng đồng quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền của nhau, vì lợi ích các bên cùng có lợi trên nền tảng hoà bình và sự phát triển bền vững.
Trong lĩnh vực văn hoá tinh thần, Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống dân tộc song cũng sẵn sàng tiếp thu đón nhận tinh hoa văn hóa thế giới và hội nhập với các nền văn hoá tiên tiến của nhân loại. Việt Nam luôn tôn trọng các giá trị đạo đức tốt đẹp của tôn giáo đóng góp cho đời sống xã hội từ việc hướng con người tới đạo đức chân, thiện, mỹ, nhất là những giá trị phù hợp với truyền thống văn hoá, đạo đức, lối sống hướng thiện của con người Việt Nam đang tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng xã hội mới với mục tiêu “Dân giàu – Nước mạnh – Xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
Với vai trò của nước chủ nhà trong tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc năm 2014, tôi mong sao trong những ngày dự Đại lễ Phật đản trên đất nước của chúng tôi, quý vị sẽ hiểu thêm về đất nước Việt Nam tươi đẹp, nhận thấy ở con người Việt Nam tình cảm chân thành, nhân hậu và sự mến khách thắm tình hữu nghị, hợp tác. Chúng ta cùng đồng tâm phấn đấu vì một thế giới tốt đẹp trong hoà bình, hữu nghị, hợp tác và cùng phát triển bền vững. Trên tinh thần đó, chúng ta tin tưởng rằng, Đại lễ Phật đản Vesak 2014 một lần nữa lại được tổ chức thành công trên đất nước Việt Nam tươi đẹp và giàu truyền thống".

NGƯỜI TÌNH CƯƠNG

1 nhận xét:

Nguyễn Minh Huệ nói...

Vesak diễn ra trong tình hình kinh tế đất nước khó khăn, việc bang giao với quốc tế còn gập ghềnh, nhất là đơn thân độc mã đối phó với người láng giềng xấu nết. Dân tộc ta lưỡng đầu thọ nạn, tiếp tục bị phiền nhiễu bởi “đồng chí” mà không “đồng hướng” tạo cho ta bao phen khốn đốn, khó xử với người bạn xấu bụng.
Trước áp lực của kẻ mạnh sát nách luôn quấy nhiễu lấn lướt, nhà nước Việt Nam đã bao lần tế nhị né tránh, dù là bằng lời nói để khỏi mích lòng lân bang, thế nhưng, kẻ thiếu ý thức cứ nghĩ là dân tộc Việt hèn nhát sợ sệt, nên cứ đánh phá, cướp bóc, giết chóc ngư dân, không những gây khốn đốn cuộc sống ngư dân, mà còn cướp đoạt quyền lợi trên biển của dân tộc Việt, tuồn hàng độc hại và phá hoại kinh tế đất nước ta dưới nhiều hình thức không lương thiện.
Hơn ai hết, Trung quốc thừa hiểu Vesak tuy thuộc lãnh vực tôn giáo, nhưng uy tín phủ trùm cả lãnh vực chính trị và giao tế của dân tộc Việt hiện nay. Gần 100 đoàn đại biểu từ các quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, trên một ngàn đại biểu quốc tế có mặt, trong đó không những các nước trong khu vực mà có cả những quốc gia xa xôi như Phi châu. Đặc biệt có Hiệp Hội Phật giáo Trung quốc đã phát biểu với tinh thần hài hòa không kém các đại biểu của Lào, Campuchia, Srilanka, và những quốc gia yêu chuộng hòa bình khác. Với tinh thần tương ái và hòa bình như thế, Trung Quốc lại tỏ ra thiếu hiểu biết khi thiết lập giàn khoan trong hải phận Việt Nam và hung hăng tấn công tàu của Cảnh sát biển Việt Nam như một thái độ khinh bỉ và xem thường quốc tế, họ coi Liên Hiệp quốc chỉ là con cọp giấy. Dĩ nhiên với mục đích làm mờ nhạt tinh thần Vesak do Phật giáo Việt Nam chủ trì.
Sinh mạng của dân tộc đã đến lúc không cho phép thương nhượng một cách lịch sự mà bao năm qua Việt Nam đã thể hiện. Thể hiện một sách lược không mang lại kết quả thì ắt phải thay đổi sách lược để tồn tại cho một tinh thần dân tộc. Tinh thần hiếu hòa với lân bang, ông cha ta từng thể hiện, nhưng không vì thế mà phải hy sinh quyền lợi của dân tộc. Các đời vua Lý và Trần đã từng cảnh báo tính tham vọng của các quốc gia lớn, thì thế hệ con cháu không lý do gì mà phải hy sinh quyền lợi và sinh mạng của một dân tộc cho những khẩu hiệu mạ vàng bao phủ lớp ruột đất sét bẩn thỉu.
Vesak là lễ hội của một tôn giáo hiếu hòa đã được Liên Hiệp Quốc cổ súy, Việt Nam thực hiện tinh thần của Liên Hiệp Quốc về chiến lược phát triển Thiên niên kỷ, không chỉ phát triển hòa bình, môi sinh, giáo dục và nhiều mặt tích cực, ngay cả các mặt tiêu cực cũng phải năng động giảm thiểu, trong đó cần ngăn chận ý đồ bất thiện của người anh em bất hảo ngang ngược để chung sống hòa bình trên ngôi làng hành tinh quá nhỏ bé hiện nay.
Riêng Phật giáo Việt Nam, từng “đồng hành cùng dân tộc” thì không lẽ gì đứng ngoài cuộc khi dân tộc đang chung sống với những kẻ bất thiện đối với dân tộc. Phật giáo chỉ tồn tại khi dân tộc tồn tại, vì thế không lý do gì Phật giáo vẫn nhởn nhơ trước sự đau khổ của dân tộc, và vận mệnh của dân tộc đang là “chỉ mành treo chuông”. Vesak không chỉ là lễ hội cho quần chúng và nghị trường cho các bài diễn văn mượt mà; Vesak phải đi vào thực tế mà Liên Hiệp Quốc đã chủ trương. Vì thế, Phật giáo Việt Nam đăng ký có nghĩa xác định trách nhiệm của Phật giáo đối với dân tộc hiện nay.