Thứ Sáu, 23 tháng 1, 2015

Đôi mắt mẹ hằn rõ vết chân chim

6 năm trôi qua, anh không về. Đôi mắt mẹ đã hằn rõ vết chân chim. Tóc bố cũng đã có thêm nhiều sợi bạc. Nợ gia đình cũng đã trả hết, mà năm mới nào cũng vẫn thiếu anh.
 
Bữa cơm gia đình ngày Tết thiếu vắng anh.
Tôi sinh ra và lớn lên ở dải đất miền Trung nắng mưa khắc nghiệt. Bố mẹ làm việc chật vật lắm mới lo đủ cho mấy anh em ăn học. Thương bố mẹ vất vả, học xong cấp 3, anh tôi xin vào miền Nam làm công nhân. Gác bỏ giấc mơ đại học, cùng bố mẹ lo cho các em.
Ngày anh đi là một buổi chiều mưa phùn. Bố chở anh vừa ra khỏi cổng, nước mắt mẹ đã rơi lã chã, vì thương con trai sớm phải bươn trải. Trước khi đi anh còn bảo “Mẹ và các em ở nhà mạnh khỏe. Con đi kiếm tiền, Tết sẽ về”. Vậy mà, nhiều mùa xuân liên tiếp không thấy anh đâu.
Nơi đất khách quê người, anh đón Tết trong căn phòng trọ. Anh nói tiền vé xe bằng cả tháng lương nên xót quá, đành “nhịn” Tết quê. Không có anh, ngôi nhà cũng chẳng được khoác lên màu áo mới, bánh chưng không có người gói mẹ cũng chẳng làm, không khí Tết ở nhà cũng trở nên buồn bã, ảm đạm và trống vắng.
Những ngày giáp Tết mỗi năm, anh đều gọi điện báo đã gửi tiền về cho bố mẹ sắm sanh nhà cửa là một lần mắt bố lại đầy nước mắt. Những lúc ấy, bố lại bước ra ngoài hiên nhà ngước mặt lên trời, rồi khua tay nói: “Đứa nào mở nhạc mà nghe buồn thế bây”.
Tiền anh gửi về, bố mẹ đã trả hết nợ. Còn dư ít, ngày Tết bố mua thịt làm giò, gói nem... và lì xì cho 2 đứa em mua quần áo mới. Cầm trên tay những đồng tiền thấm đẫm những giọt mồ hôi, nước mắt của anh mà lòng em nhói đau.
6 năm trôi qua, anh không về. Đôi mắt mẹ đã hằn rõ vết chân chim. Tóc bố cũng đã có thêm nhiều sợi bạc. Nợ gia đình cũng đã trả hết, mà năm mới nào cũng vẫn thiếu anh.
Ngày 28 Tết, nhớ anh, mẹ lủi thủi xuống bếp rán bánh ngồi khóc. Không khí trong nhà trở nên trầm lắng, bố ngồi xem ảnh nhớ anh mà mặt buồn rười rượi. Bất ngờ chuông điện thoại reo lên, bố đến bắt máy. Ở đầu dây bên kia, giọng anh lanh lảnh vọng về. Thoạt nhiên bố nói lớn: “Mày lên xe rồi à! Có thật không?”
Nghe tin anh về quê ăn Tết, từ dưới bếp mẹ vội vàng chạy lên. Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt mẹ. Đứa em út đang lọ mọ rửa chén ngoài giếng cũng ngừng tay vội vã chạy vào. Cái không khí ảm đảm của những ngày Tết mấy năm nay bỗng nhiên mất hút, thay vào đó là niềm hạnh phúc vỡ òa ở mọi người.
Nghe điện thoại của anh xong, bố cười nói: “Con nó lên xe được 5 tiếng rồi đó bà. Nó bảo không có gì thay đổi thì chiều 30 sẽ về đến nhà”. Mẹ tôi nghe bố nói mà phấn khởi quá, lấy chiếc xe đạp ra chạy ngay xuống chợ mua thêm đồ ăn Tết. Mẹ mua hai con ngan về nấu thịt đông và xấp lá dong để làm bánh răng bừa… Đó đều là những món mà anh tôi thích ăn nhất.
Bố tôi cũng vội đi xe máy ra thị trấn mua một cây quýt và dàn nhấp nháy về để trước bàn uống nước cho sang cửa nhà. Bãi rác ở góc vườn cả nửa năm, hôm nay bố cũng sốt sắng ra dọn sạch. Đứa em út cũng hớn hở chạy qua vườn hoa nhà hàng xóm mua thêm 20 cây cúc vàng về trồng vào bồn để lên thành sân cho đẹp.
Còn tôi dành nguyên hẳn một ngày mua vôi về quét lại ngôi nhà sáng choang. Cứ thế, mỗi người một việc, sau một ngày ngôi đã khang trang, sạch đẹp chờ đón anh về.
Chiều ba mươi, mùi nhang thơm tỏa khắp ra đường, không khí Tết sực nức xóm làng. Nồi thịt đông mẹ nấu đã xong, bánh răng bừa cũng được vớt bầy ra trên đĩa. Nồi bánh chưng trong góc bếp sôi ùng ục tỏa mùi thơm nức. Nhạc xuân được phát ra từ chiếc tivi cũ mèm cũng rộn rã khắp nhà. Chiếc xe máy ít khi nào bố rửa hôm nay cũng sạch bóng, được móc sẵn hai mũ chờ đi đón anh.
Còn tôi thì loay hoay với dàn nhấp nháy để trang trí vào mâm ngũ quả mà mắt lúc nào cũng liếc nhìn điện thoại bố cầm trên tay. Đang nắc nỏm trong lòng thì anh gọi điện bảo bố: “10 phút nữa xe về đến thị trấn”.
Chắc nhớ anh quá, nghe xong bố vội vã lấy thêm chiếc áo ấm phòng anh xuống xe bị lạnh, rồi chạy xe đi đón. Cả nhà đang ngồi chờ thấp thỏm thì nghe tiếng xe máy bố về đến cổng. Mẹ ngồi trong nhà vội vàng chạy ra ôm chầm lấy anh. Vui sướng quá nước mắt mẹ trào dâng, vì nhớ con sau bao năm xa cách. Cả nhà, nhìn nhau cười mà ai cũng ứa nước mắt.
Giây phút giao thừa, mẹ bầy mâm cơm ra ăn. Mọi người ngồi quây quần bên nhau, cùng nâng ly rượu chúc mừng năm mới, rồi nhìn nhau cười trong niềm vui tuyệt vời. Đến giờ nhớ lại tôi vẫn còn lâng lâng hạnh phúc.
Anh ơi! Tết này, anh về nữa nhá.

TRẦN HIỆPTheo: www.doisong.vnexpress.net

Không có nhận xét nào: