Thứ Ba, 20 tháng 1, 2015

Đi tìm dấu vết môn phái võ Thất Sơn Thần Quyền

Thất Sơn Thần Quyền là một trong những võ phái ra đời rất sớm ở vùng Thất Sơn (Bảy Núi, An Giang). Ngoài quyền cước thông thường, người học võ còn luyện “thần quyền”.

Di ảnh của võ sư Hoàng Bá, truyền nhân cuối cùng của Thất Sơn Thần Quyền ở An Giang.
Ảnh do gia đình cung cấp.

Võ sư sáng lập
Theo một vài ghi chép, Thất Sơn Thần Quyền do võ sư Trần Ngọc Lộ, từng là Bí thư Đại Việt cách mạng quận bộ Phú Thứ (Huế) sáng lập nên. Tuy là người gốc Huế, nhưng Trần Ngọc Lộ là một trong “thập nhị hiền thủ” – đệ tử dưới trướng của Phật thầy Tây An Đoàn Minh Huyên. Vốn là người giỏi võ, lại đức độ, võ sư Trần Ngọc Lộ không thể lập giáo phái vì sợ mang tiếng phản thầy, phản giáo, nên ông lập võ đạo. Để ghi nhớ công ơn của thầy đã truyền dạy và khoảng thời gian ẩn cư tại vùng Bảy Núi, võ sư Trần Ngọc Lộ đã lấy tên Thất Sơn Thần Quyền đặt cho võ phái của mình.
Đệ tử Thất Sơn Thần Quyền nhập môn ngoài học quyền cước còn được học cả đạo. Võ là để rèn luyện thân thể, sức khỏe dẻo dai, bảo vệ chính nghĩa, giúp đỡ kẻ yếu. Còn đạo là đạo đức, đạo lý sống ở đời. Thêm vào đó, đệ tử Thất Sơn Thần Quyền còn có thêm niềm tin rằng nếu ra sức luyện tập, đến một lúc nào đó có thể luyện thành “thần quyền”, có sức mạnh siêu phàm có thể “hô phong, hoán vũ”, có thể 1 đánh 10, thậm chí vài chục người. Chính đức tin này đã thu hút rất nhiều người tìm đến học Thất Sơn Thần Quyền. Tuy nhiên, không phải đệ tử nào cũng được học “thần quyền”. Tương truyền, chỉ có người được chọn kế thừa Trưởng môn mới được chân truyền “thần quyền” để trấn môn.
Cho đến bây giờ, người dân vùng Bảy Núi vẫn còn truyền miệng câu chuyện về một đạo sĩ già có phàm danh “ông Đạo Ngựa”. Do hành tung ông rất bí ẩn nên không ai biết chính xác danh tính của ông, cũng không biết nơi ông sinh sống. Chỉ biết rằng mỗi tháng một lần, ông cưỡi ngựa xuống chân núi Sam (Châu Đốc) để đổi gạo. Một lần chứng kiến cảnh dân nghèo bị cướp, ông ra tay can thiệp. Nhìn thấy một ông lão gầy nhom, râu tóc bạc phơ, bọn cướp phá lên cười. Thế nhưng khi bọn chúng vung dao xông vào vây chém thì ông lão gầy guộc trở nên hết sức nhanh nhẹn. Vừa tránh những đường dao chí mạng, tay nắm dây cương ngựa, chân liên tục tung cước khiến cả bọn té sấp dưới đường. Bọn cướp tháo chạy, ông thoắt lên lưng ngựa, ngược dốc núi trở về và biến mất giữa rừng già. Về sau, người ta mới biết ông chính là một trong những đệ tử chân truyền của Thất Sơn Thần Quyền đã mai danh ẩn tích, tu tại một hang động bí ẩn ở núi Sam. Nhưng cũng từ đó "ông Đạo Ngựa” không còn xuất hiện và không ai tìm được ông nữa.

Võ sư Phan Thanh Thuận, đệ tử cuối cùng của võ sư Hoàng Bá.
Ảnh do nhân vật cung cấp.

Truyền nhân cuối cùng
Chúng tôi cất công lần theo dấu vết truyền thuyết trên khắp vùng Bảy Núi trong một thời gian dài, nhưng vẫn không gặp được truyền nhân nào của Thất Sơn Thần Quyền. Trong khi lân la trò chuyện với các võ sư thuộc Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh An Giang, chúng tôi được biết có một vị võ sư già trước đây là đệ tử của phái Thất Sơn. Theo chỉ dẫn, chúng tôi tìm đến tận nhà thì tiếc là vị võ sư ấy đã qua đời ở tuổi 71 (năm 2010). Đó chính là võ sư Hoàng Bá (tên thật Trần Kim Truyền), nhà ở cầu Tầm Bót, Phường Mỹ Phước, Thành phố Long Xuyên. Ông chính là đệ tử chân truyền cuối cùng của võ phái Thất Sơn Thần Quyền ở An Giang.
Võ sư Hoàng Bá vốn rất nổi tiếng trong giới võ thuật miền Nam từ những năm trước 1975. Ông Bảy Sang (85 tuổi, chú ruột võ sư Hoàng Bá) cho biết dòng họ ông không có truyền thống võ đạo. “Thuở nhỏ, cha nó bắt phải đi học chữ, nhưng do mê võ nên thằng Truyền chỉ học chữ buổi sáng, đến buổi chiều nó lén đi học võ với các sư phụ Tư Ngộ, Hai Tỷ ở gần nhà. Năm 16, 17 tuổi, nó đã đi thi đấu võ đài” – ông Bảy Sang nói.
Mặc dù võ nghệ đã khá, chàng thanh niên Trần Kim Truyền vẫn lén gia đình tìm đến vùng Bảy Núi tầm sư học võ và trở thành đệ tử chân truyền chính tông cuối cùng của Thất Sơn Thần Quyền. Tuy nhiên, thuở sinh tiền, võ sư Hoàng Bá cho biết ông chưa lĩnh hội được “thần quyền” thì sư phụ đã cho xuất sơn xuống núi. Biết “duyên phận” chỉ đến đó nên ông cũng không thể cưỡng cầu. Sau đó, ông về mở võ đường, thu nhận đệ tử tại Long Xuyên, lấy tên là Hoàng Bá. Những năm từ 1958 đến 1960, lò võ Hoàng Bá nhanh chóng nổi tiếng trong giới võ thuật miền Nam, cả nước và thậm chí khu vực Đông Nam Á qua các cuộc thượng đài. “Hồi đó lên võ đài là phải ký giấy “sinh – tử”, 2 cái hòm (quan tài) được để sẵn bên hông. Mặc dù người học võ không được phép đánh chết người, nhưng vì quyền cước không có mắt nên phải làm như vậy. Bởi vậy, cha thằng Truyền không đồng tình cho nó theo nghiệp võ” – ông Bảy Sang nhớ lại.
Năm 1960, trong một trận đấu tranh giải khu vực Đông Nam Á, võ sư Hoàng Bá bất ngờ đối mặt đồng môn là võ sĩ Nosar của Campuchia – một truyền nhân của Thất Sơn Thần Quyền. Trận đấu sau đó đã được dừng lại vì trong 9 điều thệ của đệ tử Thất Sơn Thần Quyền có cấm đồng môn tương sát. Cũng từ đó, đệ tử Thất Sơn Thần Quyền khắp nơi tề tựu về Long Xuyên để chấn hưng lại môn phái. Trong số 10 võ sư gạo cội thì chỉ có 1 người được truyền thụ “thần quyền”, nhưng chưa kịp truyền dạy cho đệ tử nào thì ông này đã qua đời. Riêng võ sư Hoàng Bá sau đó lấy tên lò là Thất Sơn Võ Đạo, thu nhận rất nhiều đệ tử. Có một thời gian dài, võ sư Hoàng Bá còn làm huấn luyện viên môn võ cổ truyền cho các võ sĩ tại Trung tâm Huấn luyện TDTT tỉnh An Giang đi thi đấu đạt nhiều thành tích cao. Đệ tử cuối cùng của võ sư Hoàng Bá là anh Phan Thanh Thuận, hiện cũng đang là huấn luyện viên võ cổ truyền tại trung tâm này. Anh Thuận theo học tại nhà võ sư Hoàng Bá từ năm 1991 – 1994. Lúc này, võ sư Hoàng Bá đã đóng cửa võ đường và Thuận là đệ tử cuối cùng. Anh Thuận cho biết, những thế võ anh theo học có rất nhiều bài quyền cận chiến hay như Mãnh hổ tọa sơn, Linh miêu đoạt thạch, Tam sơn trấn ải, Xí mứng, Phá xí mứng, Pha bốc bế,... 

MAI TUYẾTTheo: www.thethao.thanhnien.com.vn

1 nhận xét:

Unknown nói...

Ngày nay, Thất Sơn Thần Quyền chỉ còn là ký ức của những võ sư miệt đồng bằng sông Cửu Long. Dù không ai chứng minh được sự mầu nhiệm của môn phái này nhưng xuất xứ của Thất Sơn Thần Quyền gắn liền với một trang sử hào hùng, bất khuất của dân tộc Việt. Đó là điều cần ghi nhận.
Do có xuất xứ từ vùng Bảy Núi (An Giang) linh thiêng nên người đời gọi là Thất Sơn Thần Quyền. Môn võ này có 4 phần luyện là tam đạo nhất thần: Tu tâm dưỡng tính gọi là tâm đạo, định thần dưỡng khí gọi là thể đạo, luyện thân tráng kiện gọi là quyền đạo. Phần luyện thứ tư gọi là luyện thần.
"Thất Sơn Thần Quyền là một môn phái cận chiến thực dụng, chỉ hữu ích trong chiến đấu thuở gươm đao xưa. Người võ sinh có những phương pháp luyện tập dị biệt. Vì bài quyền không có lời thiệu nên bị tam sao thất bản. Ngoài quyền cước, võ sinh còn được trang bị thêm niềm tin huyền bí để tạo sự tự tin, bình tĩnh. Trong chiến đấu, sự tự tin, bình tĩnh chiếm 50% thắng lợi".
Thất Sơn Thần Quyền chính tông gồm 2 phần: Quyền và thuật. Quyền là phần "dương công" gồm những thế võ cận chiến tay không và giáp chiến binh khí. Thuật là phần "âm công" huyền bí, dùng năng lượng siêu nhiên trợ lực. Chỉ đệ tử duy nhất được chọn kế thừa chưởng môn mới được sư phụ truyền dạy phần "âm công".
Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, Tình Cương, Cẩm Khê, Phú Thọ cũng là một trong những “cái nôi” của phong trào tập luyện võ phái Thất Sơn Thần Quyền (dân gian gọi là “võ bùa”). Vị thầy thứ nhất là Nguyễn Phong Cư, sinh năm 1950, nhà ở dốc Chủ Chè, làng Tình Cương, xã Tình Cương. Từ năm 1980 – 1985 cao thủ Nguyễn Phong Cư đã huấn luyện được một số “đệ tử”, trong đó có 12 “môn sinh” đã có đẳng cấp khá cao (7 người ở Cẩm Khê, 3 cán bộ công an, 1 bộ đội và 1 ở Hải Phòng). Theo những người rành về môn này cho biết: “Thầy Cư” theo học “Thầy Cảo” (Nguyễn Văn Cảo, ở Huế) từ năm 1976 khi ông còn là công nhân xây dựng cầu đường ở miền Trung. Sau khi “đắc đạo”, Nguyễn Phong Cư về quê Tình Cương sinh sống và góp phần truyền bá môn “võ bùa” này cho khá nhiều người.
Một vị cao thủ thứ 2 ở Tình Cương tên là Nguyễn Trần Cương, nhà ở xóm Chùa, làng Tình Cương, xã Tình (ngay sau Tổ Đình Long Khánh). Thầy Cương khá kín tiếng và cũng đã âm thầm chiêu nạp được một số “đệ tử” rồi huấn luyện “võ bùa”, ngồi thiền,… Thỉnh thoảng thầy Cương vẫn vào Huế, Sài Gòn, An Giang,… thọ giáo các cao thủ võ lâm để “học đạo”. Mấy chục năm tu luyện bây giờ võ thuật của thầy Cương cũng “ngon” lắm rồi. Số điện thoại của thầy Cương: 0915071183.
Câu chuyện về môn võ bùa thường chứa đầy màu sắc huyền ảo, thần tiên, kỳ bí được lưu truyền trong dân gian. Những người luyện công phu theo phái Thất Sơn Thần Quyền sẽ có một sức mạnh tiềm ẩn “một người địch nhiều người”, có một khả năng đặc biệt, hơn hẳn người thường. Nhưng tất cả chỉ là chuyện kể, nhiều câu chuyện về môn võ bí ẩn mang tính huyền thoại còn đang tranh luận. Chỉ có về Tình Cương tìm gặp ông Cư, ông Cương,… với tâm huyết tầm sư học đạo, với tất cả tấm lòng chân thành, may ra sự thật mới được hé mở đôi phần. Những người theo môn phái Thất Sơn Thần Quyền đều sống một cuộc sống giản dị, không khoa trương, không khoe khoang, họ rất ít tiết lộ cho người ngoài biết về môn mình học và có một điều lạ là họ không gia nhập bất kỳ tổ chức võ thuật nào.
Thủ phủ của Thất Sơn Thần Quyền là ở Huế, do tông sư Nguyễn Văn Cảo nắm quyền chưởng môn. Sáng tổ Nguyễn Văn Cảo học thần quyền từ một vị cao tăng người Ấn Độ. Thầy Nguyễn Văn Cảo đã “khuất núi”, bây giờ bạn muốn học võ phái Thất Sơn Thần Quyền thì chịu khó lặn lội về Tình Cương, Cẩm Khê, Phú Thọ mà tìm thầy Cương hoặc thầy Cư. Tất nhiên, phải có đủ nhân duyên thì mới theo học được.