Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

Chốn quê nhà

Thuở nhỏ tôi ít được đi xa, năm này qua tháng nọ cứ quanh quẩn bên đàn trâu thửa ruộng. Cuộc sống thiếu thốn trăm bề, nhưng trong lòng, tôi cứ mơ ước những phương trời xa, cứ thèm những khoảng trời cao đất rộng để tìm hiểu mọi thay đổi biến thiên của cuộc đời. Tôi thích đọc những cuốn du ký để được đắm mình vào tình cảnh của du khách nơi bờ xa bến lạ, để có được cái kích thích của người được mở to mắt nhìn những chân trời mới, mọi sự vật chuyển động mau lẹ quanh mình, để thay đổi cái nếp sống tẻ nhạt, nhìn đời trong cái đơn điệu đóng khung nhàm chán.


Từ những khao khát đó, tôi đã tìm đọc những cuốn sách bổ ích như: Đi Tây của Nhất Linh, Một chuyến đi của Nguyễn Tuân, Hạn Mạn du ký của Nguyễn Bá Trác, Pháp du hành trình nhật ký của Phạm Quỳnh, Trời Âu trong mắt Việt của Minh Quân, v.v,… Từ những cuốn sách này tôi đã hình dung và được hưởng cái cảm giác say mê như uống ly rượu mạnh. Tôi đã mơ về những vùng mây nước xanh rờn không đầu không đuôi, không có  uổi. Từng đêm cứ thao thức, tưởng tượng đủ mọi thứ chuyện trên đời…
Vừa mới lớn, vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, tôi đã từ giã làng quê ra đời kiếm sống. Tôi ra đi một phần là cứu đói và một phần là do cái tính và dòng máu giang hồ của mình, “đi cho biết đó biết đây” đó mà. Và tôi đã nếm đủ mặn ngọt chua cay của cuộc đời với gần nửa thế kỷ sống rày đây mai đó, lưu lạc bao miền, lúc lên voi lúc xuống chó tôi đều trải đủ, kể cả tù đày giữa hai chế độ…
Tất cả những gì xảy ra tôi đều không oán trách ai mà cam lòng chịu đựng…
Và, khi đã nếm trải đủ mọi điều, đã đi gần như khắp nước và một số vùng lạ ở nước ngoài, tôi mới nghiệm ra một lý lẽ sống là: “Không đâu bằng chốn quê nhà”. Thèm nhớ một mái nhà tranh, một bến nước, con sông quê giữa hai mùa mưa nắng…
Và, tôi cũng cảm nhận ra nhiều điều kỳ diệu về thời gian, về cuộc sống qua cái màu thời gian. Cái màu không ai có thể nhìn thấy được bằng con mắt dửng dưng, đã làm thay đổi bao số phận con người và vạn vật quanh ta. Màu thời gian, màu kỷ niệm, là màu xanh của con sông quê hương, vẫn hiền hòa chảy qua bao mùa mưa nắng, là màu cho cây lá thêm xanh, cho tóc mẹ thêm bạc, là màu mắt tím đợi chờ, màu cỏ úa nhớ nhung, màu kỷ niệm của người ra đi bạc phếch qua nửa đời lưu lạc, nỗi đau quặn thắt tình nhà…
Trên chặng đường mưu sinh, tôi chỉ có cây sáo là bạn đường. Cây sáo đã đi theo tôi suốt quãng đời lưu lạc từ ngày rời xa quê mẹ. Cây sáo của tôi không phải như “cây sáo thần” của Mozart tạo nên những phép màu, không mê hoặc như cây sáo của Trương Lương thổi trên sông Ô để giải tán đạo quân của Hạng Vũ, mà cây sáo của tôi là của cuộc đời bình dị, đi tìm những tâm hồn đồng điệu, tiếng sáo là của tiếng chim kêu ríu rít, tiếng rặng tre ngà kẽo kẹt, tiếng sáo diều lơ lửng chiều thu, tiếng nhịp võng đưa dìu dặt nhịp với lời ru của buổi trưa hè, in đậm một mảng trời xanh Việt Nam thanh bình bất diệt… Tiếng sáo của tôi là tâm hồn của chú mục đồng với tâm hồn chất phác mộc mạc…
Ngày xưa ước mơ thật nhiều điều. Bây giờ, khi đã nếm trải mọi vinh nhục khổ ải của cuộc đời, mới nghiệm ra không đâu bằng: “Chốn quê nhà” là máu là tim đời đời thiêng liêng mầu nhiệm…

BẢO CƯỜNGTheo: Văn hóa Phật giáo

Không có nhận xét nào: