Thứ Tư, 7 tháng 6, 2017

Giáo sư Viện sĩ của nhà nông

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long sinh ra và lớn lên tại quê hương Tình Cương, Cẩm Khê, Phú Thọ. Vùng đất tổ Hùng Vương với những rừng cọ đồi chè mướt xanh và những người nông dân chăm chỉ làm ăn đã trở thành hình ảnh đầy ấn tượng trong thâm tâm ông. Có lẽ đó cũng là một phần lý do giúp ông quyết tâm theo đuổi con đường học hành và dành trọn niềm tâm huyết cho việc nghiên cứu khoa học phục vụ nông nghiệp.

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long.

Năm 1967, tốt nghiệp Đại học Tổng hợp quốc gia Kishinev, ông về nước làm cán bộ giảng dạy tại trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội. Một năm sau đó, ông chuyển công tác về giảng dạy tại trường Đại học Nông Nghiệp II, đã bảo vệ luận án Tiến sĩ năm 1979 và bảo vệ  luận án Tiến sĩ Khoa học năm 1983 tại Liên bang Nga. Với niềm đam mê nghiên cứu và sự nỗ lực hết mình, ông đã chính thức được trao bằng Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Nông nghiệp toàn Liên Bang Nga năm 1993. Tiếp đó, ông được phong hàm Phó Giáo sư (năm 1996) và Giáo sư ngành Nông nghiệp – chuyên ngành Di truyền Chọn giống cây trồng (năm 2002).
Trong suốt quá trình công tác, Giáo sư Trần Đình Long đã từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Việt Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Đậu đỗ, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam và nay là Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, Ủy viên Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Trung ương Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Dù ở bất kỳ cương vị nào, ông cũng tạo được dấu ấn riêng trong cả công tác quản lý và nghiên cứu khoa học.
Các đề tài nghiên cứu khoa học do ông chủ trì không chỉ mang tính đúc kết, khai phá mà còn giàu tính thực tiễn, tính ứng dụng cao. Một số Đề tài và Dự án cấp Nhà nước mà ông chủ trì còn đạt loại xuất sắc như: Chọn tạo giống cây trồng cạn lấy hạt và biện pháp thâm canh (KN-01-11: 1991 – 1995), chọn tạo giống đậu đỗ (KHCN-08-02: 1996 – 2000), nghiên cứu tuyển chọn giống và phát triển Vừng – Hướng dương (2001 – 2004)...
Giáo sư Trần Đình Long cũng chính là “cha đẻ” của 22 giống cây trồng mới, trong đó có 9 giống Đậu tương, 3 giống Đậu xanh, giống Lúa VX 83, giống Đại mạch Api, giống Vừng V6, giống Khoai lang VX 37, giống Cỏ ngọt ST 88,... Các giống này hiện đang được phát triển trong sản xuất trên hầu hết các vùng sinh thái của nước ta. Trong đó có 2 giống được cấp bằng bảo hộ quyền tác giả là Lạc L23 và Đậu tương ĐT26.
Ngoài nghiên cứu khoa học, chọn tạo giống cây trồng mới; ông còn dành nhiều tâm huyết để viết sách khoa học được các đồng nghiệp, độc giả đánh giá cao. Đến nay, ông đã xuất bản 17 cuốn sách khoa học gồm ba giáo trình được đưa vào giảng dạy trong trường đại học là Tế bào học, Giáo trình Di truyền học thực vật, Giáo trình cao học Chọn giống cây trồng,... cùng nhiều cuốn sách hữu ích cho nhà nông như: cây đậu xanh, cây đậu tương, kỹ thuật đạt năng suất lạc cao sản ở Việt Nam, Cultivation and Utilization of Stevia... Đã tham gia đào tạo cho rất nhiều thế hệ kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ nông nghiệp. Các thế hệ học trò được ông đào tạo đã và đang phục vụ rất tốt cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn ở nước ta. Nhiều người trong số họ đã trở thành các Giáo sư, Phó Giáo sư, và các cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước.
Với những cống hiến to lớn góp phần phát triển nền nông nghiệp, kinh tế xã hội nước nhà nói chung, ông đã vinh dự được nhận nhiều Huân Huy chương, Bằng khen của Bộ trưởng, của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch Nước, Huân chương Hữu nghị LB Nga (năm 2000). Năm 1976 ông được kết nạp Đảng tại Chi bộ Đảng Phòng Khoa học, Trường Đại học Nông nghiệp II Hà Bắc. Trong suốt thời gian qua ông đã từng tham gia cấp ủy (Bí thư chi bộ, Đảng ủy viên) của các cơ quan đã từng công tác và luôn đạt danh hiệu Đảng viên ưu tú và đã được trao Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng vào năm 2008. Nhân dịp này, Ban Biên tập (BBT) ấn phẩm “Gương Đảng viên ưu tú – Nhà quản lý tiêu biểu thời kỳ đổi mới và hội nhập” đã có cuộc trò chuyện ngắn với Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long để nghe ông chia sẻ đôi điều về công tác quản lý Hội và nghiên cứu khoa học.

Giáo sư, Viện sĩ Trần Đình Long trong giờ nghỉ tại nhà riêng.

BBT: Ngành nông nghiệp, đặc biệt giống cây trồng có vai trò vô cùng quan trọng trong cơ cấu kinh tế Việt Nam. Mặc dù Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho nghiên cứu khoa học nhưng mới chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu giống lúa chất lượng cao, phần còn lại phải nhập khẩu. Điều đó cho thấy công tác chọn, tạo giống lúa vẫn là bài toán nan giải đối với các nhà nông học và nông dân nước ta. Với tư cách là Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam, xin Giáo sư cho biết Hội đã và đang có những hoạt động cụ thể nào để đẩy mạnh công tác này? Theo Giáo sư đâu là khó khăn lớn nhất?
GS. VS. Trần Đình Long: Ở đây, chúng ta cần phân biệt rõ 2 khái niệm giống lúa chất lượng cao và giống lúa có phẩm cấp hạt giống cao. Về giống lúa chất lượng cao bao gồm chất lượng thương phẩm (hạt dài, trong,...), chất lượng nấu nướng (thơm, dẻo,...) và chất lượng dinh dưỡng (hàm lượng prôtein cao,...). Về phẩm cấp của các loại hạt giống gồm có giống Siêu nguyên chủng, Nguyên chủng, giống Xác nhận phải đạt tiêu chuẩn Quốc gia về độ thuần, tỷ lệ nẩy mầm, độ lẫn tạp...
Đúng như nhà báo đã nêu, ở nước ta, giống lúa chất lượng cao trong sản xuất đại trà hiện đạt tỷ lệ thấp, vì vậy giá trị xuất khẩu không cao. Trong thời gian từ nay đến năm 2020, việc chọn, tạo được các giống lúa mới có chất lượng cao chính là yêu cầu cấp bách đặt ra cho ngành nông nghiệp nước nhà nói chung, Hội giống cây trồng Việt Nam nói riêng. Đây là một thử thách lớn đối với các nhà khoa học cũng như các nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp.
Khó khăn lớn nhất hiện nay là lực lượng cán bộ khoa học phân tán, cơ chế thực hiện, kiểm tra, đánh giá sản phẩm của các đề tài còn nặng về hành chính sự nghiệp, cơ chế tài chính quá cứng nhắc, chiếm quá nhiều thời gian của các nhà khoa học về các thủ tục không cần thiết. Hiện nay, theo chúng tôi cần tập hợp các nhà khoa học đầu ngành và các cán bộ có trình độ chuyên môn cao, ở lĩnh vực chọn tạo giống lúa trong cả nước, để thực hiện Đề tài trọng điểm cấp Nhà nước về chọn tạo, sản xuất giống lúa mới chất lượng cao thích hợp cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đồng bằng Sông Hồng với năng suất từ 6 – 7 tấn/ha, giá trị xuất khẩu đạt từ 750 – 850 USD/1 tấn. Để làm được điều này Nhà nước cần có chính sách ưu tiên cho đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, điều kiện làm việc tối ưu và cơ chế tài chính đặc thù cho các đề tài nếu tạo ra được các sản phẩm chủ lực như đã nêu ở trên.
BBT: Việt Nam đứng thứ hai trong bảng xếp hạng các nước xuất khẩu gạo trên thế giới nhưng có một thực trạng đáng buồn là tại hệ thống chợ đầu mối, siêu thị nội địa, sản phẩm của Thái Lan – quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới – vẫn xuất hiện với số lượng lớn. Thậm chí, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam cũng thường thấp hơn gạo Thái Lan. Xin giáo sư lý giải rõ về “nghịch cảnh” đó và chia sẻ một vài giải pháp cụ thể?
GS. VS. Trần Đình Long: Nông nghiệp Việt Nam đã và đang đạt được những thành tựu lớn lao trong sản xuất lương thực, từ chỗ thiếu ăn đến nay chúng ta đã vươn lên đứng thứ hai về xuất khẩu gạo trên thế giới. Năm 2010, Việt Nam đã xuất 6,7 triệu tấn gạo thu về 3,2 tỷ USD, năm 2011 xuất trên 7 triệu tấn và thu về khoảng 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, lợi nhuận đem lại cho người trồng lúa còn thấp vì chi phí đầu vào quá cao. Giá bán gạo của nước ta cũng khá thấp so với thị trường thế giới. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng gạo của Việt Nam còn kém.
Hiện nay, ĐBSCL vẫn là vựa lúa chính phục vụ cho xuất khẩu. Nhưng với trên 100 giống lúa được gieo trồng tại đây, tỷ lệ giống tốt (giống xác nhận) chỉ chiếm khoảng dưới 30% vì vậy lúa đạt năng suất thấp. Mặt khác, bà con nông dân thường thích gieo trồng các giống lúa có năng suất cao nhưng chất lượng gạo lại kém, dẫn tới giá xuất khẩu gạo của ta thấp so với Thái Lan và một số nước khác. Sự xuất hiện gạo của Thái Lan và một số nước khác tại các siêu thị của nước ta là tất yếu, vì nhu cầu sử dụng gạo chất lượng cao của người tiêu dùng ngày càng tăng, trong khi chúng ta chưa có những giống lúa đạt chất lượng ngang bằng hoặc cao hơn nên tồn tại nghịch lý như nhà báo đã nêu.
Để khắc phục vấn đề nêu trên Nhà nước cần quy hoạch các vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm, chỉ sử dụng một số giống lúa đạt chất lượng thương phẩm cao, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, vật tư nông nghiệp, chỉ sử dụng hạt giống có phẩm cấp tốt (100% là giống xác nhận), áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, kỹ thuật quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), cơ giới hóa tối đa các khâu sản xuất trước và sau thu hoạch. Thành lập các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ lúa gạo trên cơ sở thuê đất sản xuất lúa gạo trong thời hạn từ 5 năm đến 10 năm, nông dân vẫn giữ sổ đỏ và được  trực tiếp vào làm việc tại các doanh nghiệp nêu trên.
BBT: Theo Giáo sư, xã hội hóa việc sản xuất giống lúa liệu có phải là hướng đi tất yếu để tăng năng suất, phẩm chất gạo “made in Việt Nam”?
GS. VS. Trần Đình Long: Việc xã hội hóa sản xuất giống lúa ở Việt Nam là bước đi cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Như chúng ta đã biết, hàng năm nước ta cần khoảng 1 triệu tấn lúa giống. Riêng ĐBSCL tỷ lệ sử dụng giống lúa tốt (giống xác nhận) mới chỉ chiếm khoảng dưới 30% nghĩa là 70% lượng giống còn lại đều có chất lượng kém. Do vậy, chúng ta cần phải sản xuất giống dự trữ quốc gia, nhất là các giống lúa cực ngắn, chịu hạn và úng lụt tốt; cùng với đó là việc đa dạng hóa các bộ giống lúa. Xã hội hóa sản xuất hạt giống hay nói cách khác là sản xuất hạt giống có sự tham gia của cộng đồng sẽ giải quyết đủ số lượng hạt giống theo nhu cầu của sản xuất.
Nhưng để đảm bảo chất lượng, nhất thiết phải có sự liên kết, hướng dẫn và giám sát chặt chẽ của các doanh nghiệp, các Hiệp hội, các cơ quan quản lý giống của Nhà nước. Cụ thể là các cấp lãnh đạo địa phương (huyện, xã, tỉnh) cần tranh thủ tối đa lực lượng chuyên gia giỏi của trung ương và địa phương trong việc tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật. Có thể gắn kết hệ thống trường học với sản xuất nông nghiệp thông qua các chương trình ngoại khoá, tham gia thực hiện các dự án, mô hình trình diễn tại các địa phương. Phát động phong trào khuyến nông tình nguyện vào kỳ nghỉ hè lấy lực lượng nòng cốt là học sinh, sinh viên. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động của các Hội nghề nghiệp đặc biệt là Hội giống cây trồng từ trung ương đến địa phương...
BBT: “Muốn kinh tế – xã hội phát triển, mấu chốt vẫn là con người. Trong một cơ quan, đơn vị, nếu chọn được người thủ trưởng tốt, mọi việc sẽ tốt đẹp, suôn sẻ. Do đó phải xác định công tác cán bộ, xây dựng Đảng là khâu đột phá” – Đó là lời phát biểu của một vị uỷ viên Đoàn Chủ tịch tại buổi góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng do Liên Hiệp các tổ chức Khoa học Việt Nam (Vusta) tổ chức. Về vấn đề này xin Giáo sư cho biết, ở Hội Giống cây trồng Việt Nam, công tác Đảng, công tác phát triển hội viên là các nhà khoa học đã thực sự phát huy được hiệu quả chưa?
GS. VS. Trần Đình Long: Công tác Đảng, công tác phát triển hội viên được coi là điều kiện sống còn của một tổ chức nhất là các Hội và Hiệp hội – các tổ chức hoàn toàn tự nguyện, hoạt động theo phương thức phi lợi nhuận. Hội Giống cây trồng Việt Nam tập hợp hàng ngàn hội viên trong đó có khoảng trên 100 GS, TS đầu ngành và trên 40 hội viên tập thể đều làm việc với tâm huyết vì người nông dân. Với đội ngũ các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về giống cây trồng trong cả nước, Hội đã chọn tạo được hàng loạt các loại giống cây trồng mới mang lại lợi ích lớn cho người nông dân. Còn về công tác Đảng thì Hội không có tổ chức Đảng chuyên trách, bởi các thành viên của Hội công tác ở nhiều đơn vị khác nhau, họ đang sinh hoạt và thực hiện các nhiệm vụ của người Đảng viên tại các chi bộ cơ sở trên phạm vi toàn quốc.
Vấn đề con người và vai trò của người đứng đầu của một tổ chức/đơn vị, theo tôi là rất quan trọng. Do vậy việc đào tạo nguồn nhân lực phải được quy hoạch theo lộ trình trước mắt và lâu dài. Nguồn nhân lực có trình độ cao sẽ là yếu tố quyết định đến sự thành bại của việc thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của từng đơn vị. Người đứng đầu/thủ trưởng đơn vị phải là người biết tập hợp, đoàn kết và sử dụng tốt nguồn nhân lực của đơn vị mình, cần phải có bản lĩnh, tính quyết đoán và giám chịu trách nhiệm trước các quyết định quan trọng của đơn vị, biết liên kết, hợp tác với các tổ chức/đơn vị khác trong nước và quốc tế để thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao. Do vậy vấn đề đào tạo nguồn nhân lực và người đứng đầu là một trong những khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng.
BBT: Vâng, xin cảm ơn những thông tin bổ ích của Giáo sư. Chúc Giáo sư luôn dồi dào sức khoẻ để cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành giống cây trồng và nền nông nghiệp nước nhà!

TRƯỜNG HẢI – Theo: www.nguoiphutho.com

Không có nhận xét nào: