Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

Chắp cánh ước mơ

Tối hôm qua 29-8, tỉnh Phú Thọ tổ chức chương trình “Chắp cánh ước mơ – vinh danh khuyến học, khuyến tài Đất Tổ” năm 2015 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh. Đây là hoạt động thường niên và kỷ niệm 5 năm thành lập “Quỹ khuyến học khuyến tài Đất Tổ”, kỷ niệm 15 năm ngày thành lập “Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ”, kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam.

Trao thưởng cho học sinh, sinh viên, VĐV đạt giải quốc gia và quốc tế.

Tới dự buổi lễ có các vị: Trần Tình, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam; Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch danh dự “Quỹ khuyến học khuyến tài Đất Tổ”; Hoàng Dân Mạc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tịch danh dự Hội Khuyến học tỉnh Phú Thọ; Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng quản lý “Quỹ khuyến học khuyến tài Đất Tổ”; Hà Kế San, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập tỉnh Phú Thọ; TS Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ kiêm Giám đốc “Quỹ khuyến học khuyến tài Đất Tổ”; các vị đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, lãnh đạo các huyện, thành, thị; các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp, các nhà tài trợ cùng đông đảo thầy, cô giáo và các em học sinh, sinh viên...

Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

Kính dâng lên mẹ!


Cảm ơn mẹ đã sinh ra,
  Cảm ơn mẹ đã cho ta cuộc đời!
Nhớ thương mẹ lắm, mẹ ơi!
  Công ơn cha mẹ, con thời khắc ghi.
Dắt dìu từng bước con đi,
  Thuở còn tấm bé đến khi thành người
Nhọc nhằn mẹ giấu nụ cười
  Vào lời ru ngọt à ơi… sớm chiều!

Nhớ mẹ


Tay bùn để lại chai sần
  Sức người vắt kiệt cho xanh lúa nhà
Sớm khuya tần tảo bôn ba
  Cốt nhiều khoai sắn, dưa cà nuôi con
Cầu mong ăn đủ, ngủ ngon
  Thân gầy mẹ vẫn gánh mòn đôi vai

Thứ Sáu, 28 tháng 8, 2015

Rằm tháng Bảy ở Tổ Đình Long Khánh, xã Tình Cương

Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật!
Mùa Vu Lan năm Ất Mùi, PL 2559, DL 2015, mùa báo hiếu tri ân lại về. Tại Tổ Đình Long Khánh, xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ đã diễn ra Đại lễ Vu Lan Thắng Hội, lễ cầu siêu độ hương linh ông bà cha mẹ, cửu huyền thất tổ, chư hương linh anh hùng liệt sĩ, nạn nhân thiên tai, đồng bào tử nạn với sự tham dự của hàng trăm Phật tử.
Lễ Vu lan (Rằm tháng Bảy âm lịch) là dịp để báo hiếu cha mẹ, để tìm về nguồn cội yêu thương, như truyền thống lâu đời của người Việt vốn trọng những tấm lòng thảo thơm...
Dưới đây là một số hình ảnh mới ghi lại tại đại lễ long trọng này, mới diễn ra sáng nay:



Thứ Năm, 27 tháng 8, 2015

Vu Lan báo hiếu


Trên tay cầm đóa bạch hồng 
   Cài lên ngực áo mà lòng xót xa,
Vì không còn mẹ, còn cha! 
   Song thân về với ông bà đã lâu.
Giá mà có phép nhiệm màu, 
   Để cha mẹ sống thật lâu trên đời! 
Cho con phụng dưỡng, mẹ ơi! 
   Cho con đền đáp ơn người cha sinh.

Chủ Nhật, 23 tháng 8, 2015

Mùa Vu lan báo hiếu – nét đẹp văn hóa

Mùa Vu lan báo hiếu là dịp để mỗi người sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn cha mẹ và những số phận xung quanh mình.
Trong tâm thức mỗi người dân Việt Nam, Đại lễ Vu lan không chỉ là ngày lễ của riêng Phật giáo mà đã trở thành ngày lễ chung để những người con thể hiện tấm lòng hiếu thảo đối với các đấng sinh thành, dưỡng dục. Mùa Vu lan báo hiếu cũng là dịp để mỗi người chúng ta sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình cảm và hành động thực sự tới cha mẹ và những số phận xung quanh mình.
“Bông hồng vàng báo hiếu mẹ cha
Tháng bảy mưa ngâu hay nước mắt nhạt nhòa
Của những đứa con nhớ về cha mẹ…”
Đã bao mùa Vu lan trôi qua, nhưng với tôi mỗi mùa Vu lan lại mang đến cảm xúc khác nhau. Lúc trước tôi không quan tâm lắm đến tình cảm cha mẹ dành cho mình nên có lúc để cha mẹ phải buồn lòng. Giờ đây, khi cha không còn, mùa Vu lan lại nhắc tôi về những lỗi lầm đã qua.


Theo truyền thống Phật giáo ở nước ta, rằm tháng Bảy hàng năm là ngày lễ Vu Lan báo hiếu. Trong ngày lễ này, ngoài nhưng nghi thức thông thường như: giảng kinh về đạo hiếu, phóng sinh… thì những người đến chùa dự lễ, mỗi người đều được cài  lên ngực áo một bông hoa hồng nhỏ. Người còn mẹ thì được cài bông hồng đỏ, người không còn mẹ thì được cài bông hồng trắng để mọi người nhớ về người mẹ của mình. Việc làm này nhằm cầu nguyện cho cha mẹ đã mất được siêu thoát và nhắc nhở những người may mắn còn cha, còn mẹ thực hành sống thương yêu.

Câu ví gọi mùa


Người đi hát khúc xa quê
  Còn người ở lại hát về dòng sông
Ngàn năm cây lúa phiêu bồng
  Theo cơn nước lớn nước ròng. Thót tim!

Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Bâng khuâng


   Cái bến sông bao năm vẫn vậy
   Nối đôi bờ bằng những chuyến đò ngang
   Nhưng với tôi mỗi khi thăm, gặp lại
   Nỗi bâng khuâng sâu lắng lại dâng tràn.

Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

Chiều quê

 

Trời chiều bảng lảng mây trôi
  Sông quê một dải đất bồi phù sa
Sáo diều lơ lửng ngân nga
  Trăng non đầu tháng nhạt nhòa trong mây.
Chuông chùa nghe vẳng nơi đây
  Nhặt thưa sợi nắng hàng cây sẫm dần

Thứ Năm, 20 tháng 8, 2015

Xướng họa: CẢNH GIÀ

 

Bài xướng:
Vui cảnh về hưu

Đến tuổi về hưu vốn lẽ thường
Giữ sao cuộc sống vẫn đưa hương
Dị đoan mê tín không dan díu
Tiêu cực bê tha chẳng vấn vương
Nghĩa nước thiêng liêng luôn giữ vẹn
Tình nhà đầm ấm mãi yêu thương

Hiền Đa ngày mới

Xã thuần nông của huyện Cẩm Khê, Hiền Đa mang đậm dáng dấp của miền quê nông thôn thuần túy với hai làng nghề truyền thống làm mì, bún, bánh Thạch Đê và sản xuất đồ thờ cúng Hiền Đa.
Cánh đồng mẫu lớn 50ha được quy hoạch ở Hiền Đa và Tình Cương.
Ông Bùi Đức Việt, Chủ tịch UBND xã Hiền Đa cho biết: Xã hiện có hơn 500 hộ với gần 1.800 khẩu, đời sống người dân chủ yếu làm nông nghiệp. Mặc dù xã có làng nghề truyền thống nhưng chủ yếu người dân tận dụng những lúc thời vụ nông nhàn để làm nghề, do đó vẫn chưa tạo được thị trường để phát triển, vì thế người dân trong xã vẫn chủ yếu dựa vào làm nông nghiệp để phát triển kinh tế.

Chủ Nhật, 16 tháng 8, 2015

Khúc giao mùa


Qua mùa phượng vĩ rồi em
   Mai người về phố có đem thu về

Cúc vàng thơm nức ngõ quê
   Sao còn sót tiếng ve khê ngậm ngùi

Mai em về phố có vui
   Xa hương bồ kết ủ mùi tóc thơm

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2015

Vị dũng tướng thời Cần Vương

Về chân núi Đọi Đèn, thôn Đồng Phai, xã Văn Khúc, huyện Cẩm Khê ta sẽ được nghe người dân nhắc câu chuyện về vị dũng tướng thời Cần Vương mang tên Đề Kiều với lòng khâm phục, kính trọng. Theo gia phả của dòng họ Hoàng ở xã Cát Trù, huyện Cẩm Khê, Đề Kiều tên thật là Hoàng Văn Thúy, sinh năm 1855, quê gốc ở Hoàng Mai, Thanh Trì, Hà Nội. Nửa thế kỷ 16 tổ tiên ông mới chuyển lên làng Cát Trù, phủ Lâm Thao thuộc chánh Sơn Tây, nay là huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ sinh sống, tính đến đời ông là đời thứ bảy.
 
Con cháu cụ Đề Kiều xem di ảnh, tìm hiểu truyền thống đánh giặc giữ nước.
Sớm mang trong mình dòng máu yêu nước, theo đạo lý "Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách”, ông Hoàng Văn Thúy đã tiếp nối truyền thống tận trung, có nhiều công trạng giữ nước an dân, sống nhân nghĩa đức độ với nhân dân trong vùng.

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

Xướng họa: THU VỀ

            Bài xướng:
Thu gợi nhớ

Dẫu hạ qua rồi cúc trổ bông
Trời xanh gió thoảng nhẹ thơm nồng
Ong vờn bướm lượn nơi miền vắng
Nguyệt tỏ dương mờ giữa chốn không.
Có lẽ vương sầu do ủ đượm
Thời nên vướng nẫu bởi hương đồng
Thu về gợi nhớ ngày nao nhỉ
Nẻo cũ ai chờ tại bến sông.

05-8-2015
HƯƠNG LAN

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

Quạt mo cau của quê nhà

Cây cau nhà bà đang thì trổ hoa, đêm qua gieo xuống mảnh sân nhỏ một tàu lá. Bà nhặt lên đem phơi dăm nắng cho khô, cắt thành cái quạt vừa tay rồi ép dưới cối đá. Sau một ngày bà lấy ra, cái quạt đã phẳng phiu, vuông vức.


Ngày bà cụ lên phố chơi với con, trong túi chỉ có vài ba bộ quần áo đã cũ với chiếc quạt mo cau bạc màu. Vừa trông thấy cái gia tài của nả ấy, cô con dâu phán ngay một câu:
- Nhà con giờ đã có quạt này quạt nọ rồi, sao mẹ phải dùng cái quạt mo cau cho khổ?
- Mẹ quen rồi, có nó mà phòng khi mất điện con ạ!

Quạt mo một thời

Trưa nay, điện lại cúp. Má lom khom tìm một vật gì đó đại loại như một tờ giấy cứng, một cuốn vở để quạt. Loay hoay mãi bà cũng tìm ra thứ để làm vơi bớt cái nóng miền Trung đang gay gắt. Bà lẩm bẩm: "Những lúc như thế này lại nhớ quê, nhớ cái quạt mo ngày xưa”.


Lời than thở của má thoáng làm tôi giật mình. Cái dáng má gầy gầy dưới ngọn đèn dầu cầm chiếc quạt mo ru thằng em ngủ trong mái nhà tranh ngày nào lại hiện về trong ký ức tôi.

Cái quạt mo cau

Trong ký ức của tôi không bao giờ quên được những ngày tôi còn bé, được sống trong mái nhà êm ấm, luôn an tâm trong tâm trạng bình yên vì được vòng tay che chở của ba và bàn tay nâng niu chiều chuộng nhẹ nhàng, dịu dàng của má. Hình ảnh thơ ngây ngày xưa đó cứ nén dần trong ký ức theo năm tháng thời gian chỉ chờ có dịp là kỷ niệm xưa tuôn trào, ứa ra như mạch suối.


Đó là cảnh những ngày hè, buổi tối tôi được má ru ngủ trên chiếc giường tre, không gian xung quanh một màu đen phủ kín, tiếng côn trùng, con vạc sành, ếch nhái cứ thi nhau kêu ra rả suốt đêm không có được vài phút yên lặng. Thấy và nghe cảnh ấy tôi sợ sệt co chân sát lên ngực cho bớt sợ, có lúc hé mắt ngước nhìn lên mái nhà tranh thấy rõ mồn một mảng trời đen kịt có các vì sao nhấp nháy, đêm nào trăng sáng càng nhìn rõ ánh sáng xiên từng đường, từng chùm do mái lá tranh bị hỏng nhiều chỗ mà ba tôi chưa kịp lấy mo cau che chắn lợp lại.

Thứ Ba, 11 tháng 8, 2015

Quạt mo

Ký ức ngày nhỏ của tôi luôn có hình ảnh chiếc quạt mo của mẹ. Mẹ cầm chiếc quạt, huơ qua huơ lại, xua tan cái nắng nóng, làm mát rượi tấm lưng trần, các con bình an chìm vào giấc ngủ…


Trước sân nhà tôi có cây cau, ngày nhỏ chị em tôi cứ đu dưới gốc tập trèo rồi ngã kềnh xuống đất. Cây cau không cho bóng mát, trái cau trẻ nhỏ không ăn được, giá như trẻ con cũng nhai trầu, chắc tôi đã có “thiện chí” hơn với cây cau. Tóm lại, mấy chị em không vui vẻ gì chuyện nhà có cây cau trước cửa. Có lần chị Sáu đem về cây si, chị xin mẹ trồng trước ngõ cho mát. Cau ốm nhách, không có bóng mát để chơi - chị nhìn cây cau bĩu môi nói thế. Mẹ tôi không chịu, mẹ bảo, đó là cây cau bà nội trồng. Bà nội không phải là người nghiện trầu, chỉ có những ngày lễ Tết bà mới ăn trầu để vui với mấy người bạn già. Bà trồng cau vì bà lý lẽ rằng: Không phải cứ thích cây gì là trồng cây đấy được, phải nhớ “Trước cau, sau chuối”. Cây có nhiều lá đem trồng trước nhà sẽ cản trở gió lành. Trước nhà chỉ nên trồng cây mảnh, dáng cao, lá sáng… như một hàng “danh dự” đẹp mắt.

Quạt mo cau


Tàu cau rụng xuống 
Ông cắt bẹ ôm 
Ép đều cho phẳng 
Làm quạt "thằng Bờm". 

Quạt đi theo ông 
Sang nhà hàng xóm 
Phe phẩy giấc nồng 
Trưa hè oi ả. 

Trưa hè nhớ quạt mo cau của mẹ!

Ngày trước, ở chốn thôn quê còn nghèo còn thiếu thốn đủ bề, nhất là điện chưa về từng xóm, ấp như bây giờ. Cả nhà tôi ai cũng có một cái quạt mo do mẹ làm. Chỉ là cái quạt mo đơn sơ, giản dị thôi nhưng dường như mẹ làm bằng cả tâm huyết của mình.

Buổi trưa hè nóng nực lại cúp điện càng làm cho không khí thêm oi bức, cảm thấy ở trong nhà chẳng thể nào chịu được, tôi ôm cái võng ra vườn tìm bóng mát cây xanh để ngả lưng. Đu đưa võng giữa thiên nhiên, cây cối mà sao cũng chẳng mát là bao, tôi ước gì lúc này mà có cái quạt mo của mẹ chắc hẳn sẽ xua bớt cơn nóng của mùa hè đang hừng hực len lỏi vào từng ngõ ngách.

Thứ Hai, 10 tháng 8, 2015

Quạt mo cau

Xưa kia tôi nhớ, hễ khi nào mẹ cầm quạt mo lên quạt mát thì tôi vội giành lấy học đòi phe phẩy rồi sà vào bụng mẹ quơ quơ vài cái lấy lệ và ngủ mất tăm không hay biết. Đến khi tỉnh dậy, tâm trí lại phân vân tại sao mắt mẹ vẫn lơ mơ nhắm mà tay thì cứ đều đặn quơ quạt gọi gió tỏa mát cả không gian.


Tuổi thơ không giải thích được hành động đó nên hay ví mẹ là cô tiên. Chỉ có cô tiên để cả khi “ngủ” vẫn “thức” nhằm bền bỉ đưa gió về làm mát cả giấc mơ xưa trong trẻo. Là cô tiên mới xua nổi cái ngột ngạt của nắng nôi, cái oi bức của ngày hè bỏng rát chỉ bằng chiếc quạt mo nhỏ bé.

Trở về

Tần tảo...

   Con trở về nơi ấy – miền quê
   Nghe sống lại nhịp lòng xa vắng
   Bóng cha liêu xiêu gánh cả trời trưa nắng
   Đồng chiều tất tả mẹ cơn giông.

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2015

Bến đợi


Bến sông ngày ấy tiễn đưa
  Người đi vào chốn gió mưa một chiều

Cuối trời mang cả dấu yêu
  Để người ở lại bao nhiêu nỗi sầu…

Thứ Tư, 5 tháng 8, 2015

Hoài nhớ


Chiều nghiêng vạt nắng hanh hao
  Thoảng nghe trong gió lao xao vọng về
Nhạc ve tự khúc tái tê
  Ngân nga giữa chốn làng quê yên bình.

Thứ Ba, 4 tháng 8, 2015

Còn yêu


Tuổi già ta vẫn còn yêu
  Cánh cò bay với ráng chiều xa xa
Giọt sương trong níu cành hoa
  Ban mai lóng lánh nuột nà xinh tươi
Tuổi già ta vẫn yêu người
  Đã cùng ta một cuộc đời nắng mưa
Đằm trong ta những nét xưa
  Cứ tươi cứ thắm như vừa hôm qua

Đại hội Đảng bộ huyện Cẩm Khê lần thứ XXVIII

Trong hai ngày 02 và 03 tháng 8, Đảng bộ huyện Cẩm Khê đã tổ chức trọng thể Đại hội đại biểu lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2015 – 2020. Dự và chỉ đạo đại hội có ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các vị trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Vi Trọng Lễ, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hoàng Việt Anh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; Nguyễn Hữu Đông, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy; cùng dự có lãnh đạo các ban Đảng tỉnh, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh; các vị nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ và 245 đại biểu đại diện cho trên 7.800 đảng viên thuộc 51 tổ chức cơ sở đảng trong toàn Đảng bộ huyện.


Nhiệm kỳ qua, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Cẩm Khê đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng – an ninh; thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu cơ bản nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVII đề ra.

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Nỗi nhớ thời bình...


Con ở đâu? Sao không về quê hương
Mẹ vẫn nhớ thương, mong chờ con sớm tối
Con cô đơn giữa bao la đồng nội
Rừng xanh rì rào thương nhớ khôn nguôi

Con đã đi qua máu lửa một thời
Sao lặng thinh đêm nay trên đồi vắng
Bình yên tưởng như là số phận
Tên ai bỏ quên giữa phố nắng nhạt màu