Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2013

Giảm ô nhiễm từ bếp cải tiến

        Cách đây mấy năm (từ giữa năm 2006), người dân các xã miền núi thuộc huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) là: Tình Cương, Yên Tập, Phùng Xá, Thụy Liễu,… bắt đầu làm quen với khái niệm bếp cải tiến do Viện Năng lượng giới thiệu. Những chiếc kiềng 3 chân được thay thế bằng "bếp xây" giữ nhiệt vừa tăng "cường độ" nấu nướng, vừa giảm khói bụi, giảm củi đun.
250 người tham gia đợt đầu được Dự án Bếp cải tiến của Viện Năng lượng hỗ trợ 100.000 đồng cho việc xây bếp. Cán bộ dự án chịu khó đến từng nhà dân khảo sát, rút kinh nghiệm hoàn chỉnh "thiết kế" bếp sao cho cửa đun không hẹp, không cho khói thoát ra từ cửa đun và có thể sử dụng nhiều cỡ nồi khác nhau. 98% số hộ được hỏi cho biết sử dụng bếp cải tiến giảm từ 25% đến trên 40% chất đốt; 88% số hộ đánh giá khói bụi giảm từ 50 tới 90% và 94% số hộ thừa nhận thời gian đun nấu giảm từ 25 đến 40%. 


Tuy chị em phụ nữ là người "hưởng lợi" nhiều nhất từ những "chỉ số" thiết thực này, nhưng ông Lê Quang Hợp, người đầu tiên ở xã Thụy Liễu xây bếp cải tiến cũng không dấu được niềm vui cho biết: gia đình ông hành nghề làm đậu phụ, trước đây mỗi tháng dùng hết 1,5m3 củi, từ khi sử dụng bếp cải tiến giảm được 0,6m3 tương đương trên 70.000 đồng; gia đình ông không phải dậy sớm, thời gian làm bún nhanh hơn, lại đỡ bị nóng và khói bụi…
Tận mắt nhìn thấy lợi ích của bếp cải tiến, người dân các xã nói trên lập tức hưởng ứng việc chuyển đổi "công nghệ" đun nấu, dù những người tham gia đợt 2 chỉ được hỗ trợ 80.000 đồng. Cán bộ dự án phối hợp chặt chẽ với Ban điều hành triển khai dự án các xã (do Chủ tịch xã làm trưởng ban), tổ chức các đội thợ xây tập trung làm bếp cải tiến đồng loạt cho bà con. Đến ngày 28/8/2007 toàn bộ 1.500 bếp cải tiến theo chương trình dự án đã hoàn tất. Phối hợp tham gia dự án từ lúc mới triển khai, các cấp Hội Phụ nữ đã tích cực tuyên truyền, vận động chị em đăng ký xây bếp, quản lý và cấp phát tiền hỗ trợ và lấy ý kiến phản hồi góp ý kiểu dáng bếp từ các hộ gia đình. Trong buổi tổng kết dự án tổ chức ngày 13/9/2007 tại Hội trường Huyện ủy Cẩm Khê, bà Phạm Hạnh Sâm, đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đánh giá đây là "dự án thành công nhất" so với các dự án Hội tham gia thực hiện.
Ông Nguyễn Minh Bảo, người được Viện Năng lượng giao trách nhiệm trực tiếp điều hành dự án cho biết, dự án này là một "nhánh" chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 – 2015 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án còn được Hội đồng xét duyệt của Hiệp hội Làng Năng lượng Toàn cầu chấp nhận vào tháng 10 năm 2006 và là một trong 20 dự án trên tổng số 160 đề xuất từ các quốc gia được chấp thuận với sự tài trợ của Ngân hàng Thế giới. Ông Nguyễn Minh Bảo hy vọng kinh nghiệm tốt qua thực tế triển khai 1.500 bếp cải tiến từ các làng quê Phú Thọ sẽ được mở rộng ra các miền quê trong cả nước. Khó có thể hình dung hiệu quả to lớn về kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng sẽ được cải thiện đến mức nào, nếu 80% nông dân nước ta đều biết cách đun nấu một cách tiết kiệm, hợp vệ sinh.

          THANH HÀTheo: www.tnmtcaobang.gov.vn

Không có nhận xét nào: