Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Làm giàu từ... đất

         PTO – Về Cẩm Khê tìm hiểu chuyện làm kinh tế của những cựu chiến binh, chúng tôi được biết nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. “Huyện có gần 650 thương bệnh binh, thế nhưng gương làm kinh tế giỏi thì chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có trồng trọt, chăn nuôi hay buôn bán gì thì cũng chỉ đủ cho sinh hoạt hàng ngày, chứ làm giàu thì hiếm lắm vì vốn ít. Duy chỉ có ông An – một thương binh hạng 3/4 có đời sống khá giả, thành lập được công ty riêng”. Đó là lời tâm sự của ông Ngô Xuân Hồng – Chủ tịch Hội CCB huyện.

Thương binh Nguyễn Đức An bên mẻ gạch mới ra lò.

Theo chỉ dẫn của ông Chủ tịch Hội, chúng tôi thăm mô hình sản xuất gạch xây dựng của hộ ông Nguyễn Đức An ở khu 5, xã Tình Cương. Là thương binh hạng 3/4, năm nay đã ở tuổi 75 nhưng ông vẫn đảm đương hầu hết công việc của công ty. Kể về quá khứ hào hùng thời kỳ bom đạn tại chiến trường, ông An chia sẻ: Khi ngoài 20 tuổi để lại vợ con ở quê nhà, tôi hăng hái cùng đồng đội lên đường tham gia kháng chiến chống Mỹ ở nước bạn Lào rồi vào chiến trường Đông Nam Bộ cho đến khi bị thương nặng ở cột sống, cổ và đầu đành phải chuyển về công tác tại Công ty Điện ảnh Phú Thọ. Đến năm 1990 tôi về nghỉ hưu và tham gia làm kinh tế tại địa phương.
Bấy nhiêu năm tháng tham gia kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đã tôi luyện thêm bản lĩnh và nghị lực vươn lên trong cuộc sống của người lính quê sông Thao này. Mong muốn thoát khỏi đói nghèo trên chính mảnh đất quê hương đã thôi thúc ông tìm mọi cách làm giàu. Tận dụng lợi thế đất bãi bồi ven sông, nếu chỉ trồng rau màu thì không thể giàu được, ông đã chia sẻ với con trai mình và mạnh dạn tìm ra hướng đi mới. Mở lò nung gạch có thể nói là một ý tưởng sáng tạo khi vào thời điểm đó ở địa phương chưa hề có ngành nghề tiểu thủ công nghiệp nào, người lao động ngoài trồng lúa và hoa lợi thì cũng không có việc làm thêm để tăng thu nhập. Tranh thủ lợi thế về đất đai và nguồn lao động dôi dư, ông An đã nhanh chóng khẳng định hướng đi đúng đắn của mình. Tháng 5-2010, Công ty TNHH Thiên An ra đời và chính thức đi vào sản xuất. Lò nung gạch liên hoàn được xử lý kỹ thuật theo quy định của Sở KHCN dưới sự chỉ đạo của huyện Cẩm Khê nên trong quá trình sản xuất đảm bảo vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp xung quanh nơi đốt gạch. Trong thời gian đầu cũng gặp không ít khó khăn, lò gạch được xây dựng phía bãi bồi ven sông Thao nên mùa mưa dễ gây ngập phải tạm ngừng đốt. Bên cạnh đó, lao động chủ yếu theo mùa vụ nên mỗi năm chỉ làm được 8 tháng. Để có được cơ ngơi như ngày hôm nay là cả một sự cố gắng từ nội lực cộng với sự ủng hộ, giúp đỡ của anh em đồng đội. Với số vốn hơn 3 tỷ đồng, ông đã xây dựng mô hình lò gạch liên hoàn kiểu đứng 2 cửa với công suất khoảng 15 vạn viên/tháng. Sản phẩm làm ra chủ yếu được tiêu thụ ngay tại địa phương và các tỉnh bạn như: Yên Bái, Tuyên Quang, Lào Cai,… Trừ chi phí còn thu lãi trên 200 triệu đồng/năm. Hiện tại, công ty tạo công ăn việc làm cho 25 lao động địa phương, họ đều là con cháu của cựu chiến binh và liệt sĩ với mức lương bình quân 2 triệu đồng/tháng.
Mặc dù là một công ty tư nhân, nhưng mọi chế độ về bảo hộ lao động (quần áo, găng tay…), thăm hỏi lúc ốm đau đối với anh em công nhân đều được ông đặc biệt quan tâm. Nhờ đó, người lao động thêm tin tưởng và gắn bó lâu dài với công ty. Bên cạnh việc sản xuất, thương binh Nguyễn Đức An còn tham gia ủng hộ các hoạt động xã hội của địa phương: Đầu tư hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn, ủng hộ gạch xây dựng trường lớp học, xây dựng nhà văn hóa và nhà chùa. Qua những việc làm trên có thể thấy người thương binh này không chỉ giỏi trong kinh doanh mà còn là người nặng tình nghĩa, luôn mong muốn góp chút công sức còn lại của cuộc đời làm đẹp giàu cho quê hương.
Ông An tâm sự: “Đối với người bình thường thì công việc đã vất vả, với tôi là thương binh, tuổi cao nên càng vất vả hơn. Tuy vậy, sáng nào tôi cũng dậy từ 5 giờ vừa tập thể dục, vừa là để đôn đốc anh em chuẩn bị công việc  ngày mới đúng tiến độ. Có hôm trở trời dù phải chống gậy nhưng tôi cũng vẫn cố gắng ra xưởng. Cũng thật may mắn là tôi còn có người con trai bên cạnh chia sẻ công việc những lúc ốm đau. Nhưng tôi còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa vì đồng đội, những người đã ngã xuống để tôi có được như ngày hôm nay”. Nhìn nụ cười tự hào của ông trong bộ quần áo lính bên cạnh mẻ gạch mới ra lò, tôi tin tưởng rằng Công ty TNHH Thiên An của gia đình sẽ ngày càng phát triển, góp phần làm đổi thay diện mạo cho quê hương.

          HỒNG NHUNGTheo: www.baophutho.vn (Thứ Sáu, 22/7/2011)

1 nhận xét:

Hoàng Lan nói...

Thương binh Nguyễn Đức An làm kinh tế giỏi
Ở xã Tình Cương huyện Cẩm Khê, nhiều người biết Công ty TNHH Thiện An do thương binh Nguyễn Đức An phụ trách. Với ham muốn làm giàu và phải làm giàu ngay trên quê hương, bác An quyết định đầu tư khai thác vật liệu xây dựng. Được chính quyền địa phương giúp đỡ địa điểm trên diện tích 2,5ha, bác An học hỏi tiếp thu KHKT xây dựng lò gạch đứng công suất hơn 10 vạn viên/tháng. Mấy năm gần đây Công ty của bác An ổn định và phát triển; giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động.
Gia đình bác An còn tích cực ủng hộ chương trình, hoạt động của địa phương như: Ủng hộ 5 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa khu, 6 triệu đồng làm đường giao thông nông thôn, hơn 5 triệu đồng xây dựng UBND xã, 6 triệu đồng xây dựng trường học và hơn 9 triệu đồng ủng hộ các quỹ...
Tuy tuổi cao lại là thương binh, sức khỏe có hạn và bận làm kinh tế nhưng bác An vẫn tích cực tham gia công tác Hội CCB của khu và là đầu tàu đưa phong trào hội phát triển. Nhiều năm nay Hội CCB của khu đạt chi hội trong sạch vững mạnh xuất sắc. Bác An nhiều lần được UBND huyện, Hội CCB huyện khen thưởng, suy tôn là hội viên làm kinh tế giỏi của địa phương và của hội.
LÊ HANH – Theo: www.baophutho.vn