Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

Kính mong Người yên nghỉ

“Đại tướng Võ Nguyên Giáp, huyền thoại sống ở Việt Nam. Ông được công nhận là một trong các nhà quân sự tài giỏi nhất và một nhà chiến lược về chiến tranh nhân dân".
Sức khỏe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp diễn biến xấu trong mấy ngày qua, mặc dù được các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, chăm sóc nhưng Đại tướng đã từ trần vào hồi 18 giờ 8 phút ngày 4 tháng 10 năm 2013 tại Quân y viện 108 (Hà Nội), khi ông vừa bước sang tuổi 103.


Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Một người thầy giáo dạy lịch sử, một nhà chỉ huy quân sự tài ba trong lịch sử Việt Nam vừa ra đi. "Tình Cương: Đất & Người" trân trọng giới thiệu với bè bạn xa gần bài thơ của bạn Trịnh Thu Trang:

Kính mong Người yên nghỉ

Bác đi lặng lẽ một chiều thu
Về với Hùng Vương, với cụ Hồ
Con nghe hồn Nước nghiêng tiễn Bác
Xin kính dâng Người đôi lời ru...

Bác ngủ ngon nhé, Bác của con
Bác của muôn người, của nước non
Mùa thu đưa Bác vào hồn đất
Kính mong Bác ngủ giấc thật tròn.

Khi Bác điều quân thắng vang trời
Con còn chưa khóc tiếng chào đời
Nhưng trong hòa bình con mãi nhớ
Ơn Bác vô cùng, Bác yêu ơi!

Và, đây là bài thơ của một cựu chiến binh tên là Nguyễn Khắc Viết được photocoppy chuyền tay bên ngoài ngôi nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Hà Nội:


                                                 Anh Cả ơi!

Nghe tin anh cả mất rồi!
Vô cùng thương tiếc một đời “đại nhân”
Nghe tin Anh Cả từ trần!
Trẻ già ngơ ngác bần thần tiếc thương,
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương”
Nhân dân ghi nhớ khôn lường công Anh!
Một đời cống hiến hy sinh,
Một đời vì Đảng trọn tình vì dân,
Một đời học Bác chuyên cần!
Một đời tích đức, tu thân một đời,
Trăm năm đi trọn cõi người,
Thác không ăn uổng cơm trời ban cho,
Quảng Bình quê nội đón chờ!
Anh về vui với nơi thờ Mẹ Cha!


Đây là bài thơ xúc động của thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp:
    
                  Khóc Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Nước non thương tiếc lệ sầu rơi
Đau xót anh Văn đã mất rồi
Yêu nước, hiến dâng không biết mỏi
Thân dân, dựa vững chẳng xa rời
Chiến công bất hủ còn vang dội
Nhân cách thanh cao vẫn sáng ngời
Cây lớn gió nào lay chuyển nổi
Hương thơm còn tỏa mãi trên đời.


Một bạn có nick Sún Thỏ chia sẻ bài thơ phân tích từ lời ca ngợi ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP KÍNH YÊU TRƯỜNG THỌ:

ĐẠI đoàn kết nhân dân là sức mạnh
TƯỚNG và quân lớn mạnh bởi kết đoàn
học trí cao anh tài cứu quốc
NGUYÊN khí thịnh suy vận nước là đây
GIÁP trận chiến công vang khắp toàn cầu
KÍNH già thượng trẻ sáng ngời đạo đức
YÊU mến nhân dân suốt đời tận tụy
TRƯỜNG kỳ kháng chiến sử ghi huyền thoại
THỌ với non sông mãi lưu danh...


Độc giả Phan Anh Dũng (E-mail: fanzung@gmail.com) từ Trung tâm Công nghệ Thông tin Thừa Thiên – Huế có bài thơ chữ Hán “Viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, với lời nhắn gửi: thơ làm từ tận đáy lòng nhằm tỏ lòng kính trọng vị Anh hùng Dân tộc.

       

      
      
      
      
      
      
      
      

                   Phiên âm:
Hoán Võ Nguyên Giáp Đại tướng

Bất hổ kỳ danh Võ Nguyên Giáp (*)
Kinh văn lược võ, võ huân công
Điện Biên động địa oanh lôi lệnh (**)
Hà Nội kinh thiên hỏa tiễn hồng
Nhất thống vạn toàn công dĩ cái
Hoán bào giải giáp thế như không
Hoàn cầu lỗi lạc danh lưu sử
Thọ bách dư niên nhật nguyệt đồng.

Tạm dịch:
                                      Viếng Đại tướng Võ Nguyên giáp

Chẳng hổ tên kỳ: Võ Nguyên Giáp
Trải văn tới võ, võ nên công
Điện Biên rung đất mìn vang lệnh
Hà Nội rực trời tên lửa hồng
Thống nhất vẹn toàn công khép lại
Thay bào cởi giáp nhẹ như không
Hoàn cầu lỗi lạc tên ghi sử
Thọ quá trăm năm tiếng chẳng cùng.

( *) Tên cụ Võ Nguyên Giáp nghĩa là võ đứng đầu bảng.
(**)  Oanh lôi lệnh: ý nhắc đến tiếng bộc phá trên đồi A1 làm hiệu lệnh tổng tiến công trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Độc giả Lê Kường (E-mail: lvcuong.ktnd@gmail.com) họa lại bài thơ của Phan Anh Dũng như sau:

Sáng mãi tên Người: Võ Nguyên Giáp
Tài kiêm văn võ, lập kỳ công
Đánh Pháp đêm thâu ra Quân lệnh
Đuổi Mỹ trời xanh thắm cờ hồng.
Khó khăn trọng trách Anh nhận trước
Vinh quang rạng rỡ, có xem không
Thân hóa trời xanh, danh lưu sử
Nhân dân thương nhớ đến khôn cùng.

Anh Nguyễn Đức Tiến, Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội có bài “Viếng Bác” như sau:

Buổi sáng mùa thu gió mát trong
Dòng người lặng lẽ, sóng trong lòng
Mắt nhòe đỏ lệ vào viếng Bác
Kính dâng lên Người nén nhang lòng
Ao cá trước nhà nước róc rách
Hoa vàng, lá biếc, gió phảng hương
Nụ cười tỏa nắng trên di ảnh
Bác còn sống mãi với non sông.

Dẫu rằng những vần thơ viết vội trong niềm xúc động vô biên, có câu chữ còn chưa chuẩn, chưa vần hay lạc vận, thất niêm luật,… nhưng chắc chắn rằng những dòng này đều xuất phát từ tấm lòng.

Độc giả Đỗ Quý Doãn (Hà Nội) có bài “Lòng Dân” tâm sự:

Chỉ mấy phút sau khi trái tim Người ngừng đập

Báo, đài chưa có thông tin

Cộng đồng mạng thức trắng đêm, triệu triệu người chia sẻ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời

Tình cảm – Lòng Dân không biên giới.

 

Ở khắp các phố xá, làng quê những bàn thờ lập vội

Không có ảnh chân dung lấy ảnh từ báo mới

Lồng khung trang trọng đặt thờ

Mọi người đến dâng hương lặng lẽ.

 

Lòng Dân – Nặng nghĩa nặng tình.

Các cháu thanh niên, học sinh

Những người lính già suốt đêm không ngủ

Chỉ đến đứng lặng im trước cửa.

 

Vĩnh biệt vị Đại tướng kính yêu

Lòng Dân – chung thủy trước sau.

Cứ ngày ngày hàng nghìn người trật tự theo nhau

Chỉ mong đến lượt mình vào thắp hương ở ngôi nhà Đại tướng.

 

Tất cả đều chỉnh tề không cần ai hướng dẫn

Chỉ đi theo mệnh lệnh trái tim

Lòng Dân – Sức mạnh vô biên.


 Tình Cương: Đất & Người trân trọng giới thiệu một số hình ảnh mới cập nhật về tình cảm của người dân đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi hay tin ông từ trần:









Xin thắp nén hương, kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của Đại tướng –  Tổng Tư lệnh – Người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng!


“Tình Cương: Đất & Người” tiếp tục giới thiệu chùm thơ, câu đối của độc giả gần xa cùng chia sẻ những xúc cảm, suy nghĩ, sự tôn kính, lòng biết ơn vô hạn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp – vị Tướng của lòng dân, một nhân cách lớn của dân tộc Việt Nam.

       Người Lính Việt Nam

Chiều thu se lạnh, ngừng gió thổi
Tiễn đưa Người – Vị Tướng nhân dân
Người lính già giản dị, oai linh
Người – Người lính già dũng cảm.

“Từ Nà Ngần, Phay Khắt đầu tiên…”
Đến những ngày khói ngút trời Hà Nội
Trận Điện Biên lẫy lừng thế giới
Sáng ngời người lính Việt Nam.

Người lính già đi trước đoàn quân
Truyền sinh lực cho bao người kế tiếp
Gian khổ, hy sinh không hề chùn bước
Làm nên Đại thắng mùa Xuân.

Bỏ lại sau lưng chiến tranh
Nỗi lo nước nghèo, dân khổ,
Với tầm nhìn thiên tài, chiến lược
Người chỉ ra những việc phải làm…

Nhưng cuộc đời đâu hết bể dâu
Nhiều người nghĩ mình là tất cả
Người lính già lặng lẽ
Vẫn miệt mài vì nước, vì dân.

Không đòi hỏi, chẳng bon chen
Cuộc đời mặc xoay vần con tạo
Không run sợ, chẳng phân trần
“Dù thời thế, thế thời vẫn thế…”

Cuộc đời không cần Hoàng đế
Chỉ là người của nhân dân
Bằng tình cảm, bằng trái tim
Nhân dân hiểu ra tất cả…

Ba Đình chiều lặng gió
Chiếc lá vàng rụng xuống bên Lăng
Nhẹ nhàng về với tổ tiên
Và, Người lại được về bên Bác Hồ.

Người đã ra đi trong tiếng nấc
Nghẹn ngào của triệu con tim
Vì một nỗi rất giản dị, bình thường
Người – Người lính già dũng cảm.

CCB NGUYỄN NGỌC THỤY (25 Phan Đình Phùng, Ba Đình, Hà Nội)


Khóc Đại tướng

ĐẠI tang đất nước lòng thổn thức,
TƯỚNG tài khuất núi vạn người thương
tướng thành danh ghi sử sách
NGUYÊN khí anh hùng tạc núi sông.
GIÁP giờ ly biệt vững niềm tin
SỐNG đời khí tiết người anh hùng
MÃI mãi thanh tao không thẹn lòng
TRONG lòng dân tộc và nhân loại.
TÂM tình xao xuyến vạn ước mong
HỒN đã ra đi theo tiên tổ
NGƯỜI người kính viếng tan nát lòng
LỆ ngấn chứa chan niềm thương tiếc
THỦY địa tâm linh ôm ấp người.

TRẦN CÔNG PHONG (Một người con Lệ Thủy, Quảng Bình
đang sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp)


      Kính dâng Đại tướng

ĐẠI ngàn còn đó cây đa (*)
TƯỚNG hiền lại giỏi mới là vĩ nhân
 biền trừ giặc ngoại xâm
NGUYÊN tình nhà giáo dành tâm dạy trò
GIÁP lưng gây dựng cơ đồ
SỐNG làm bông súng giữa hồ hoa sen
MÃI sáng soi tựa ánh đèn
TRONG đêm tối vẫn bừng lên rạng ngời!
LÒNG yên, giấc ngủ ngàn đời
DÂN gian đưa tiễn một người đi xa…

(*) Cây đa Tân Trào.

LƯU HUYỀN NGỌC (Matxcơva, Liên bang Nga, 08/10/2013)


Người mãi mãi là hồn thiêng đất Việt
Thắp nén hương lòng, theo gió gửi tới hồn thiêng Đại tướng.
                              
Một buổi chiều hoàng hôn như sụp đổ
Một tiếng than lòng gọi ĐẠI TƯỚNG ÔI ....
Một dân tộc Việt, ôi thế là thôi…
Một con người mãi từ nay vắng bóng
Một hình ảnh, thế giới từng lắng đọng
Một nhân cách đã để lại cho đời
Một thầy giáo, làm sáng ngời lịch sử
Một Điện Biên vang dội bản hùng ca
Một người con đất Quảng Bình sinh ra
Một chân lý đấu tranh vì dân tộc
Một khát vọng hòa bình cho đất VIỆT
Một than lòng (Ôi) ...từ nay vĩnh biệt
Một tên người khắc mãi với NĂM CHÂU

PHẠM THANH MINH (Berlin, CHLB Đức)


Thật xứng danh

VÔ vàn tin tức của ngày qua
CÙNG bao đau xót khắp muôn nhà
THƯƠNG nhớ Anh – một thiên huyền thoại
TIẾC thương Người – cả thế giới ngợi ca
NGƯỜI đã ra đi thật rồi sao?
ANH Văn ơi! Tiếng khóc nghẹn ngào
CẢ nước lặng đi trong tiếng nấc
CỦA bao người nhân hậu cần lao
QUÂN kỳ năm tháng từng chứng kiến
ĐỘI quân Anh dìu dắt trưởng thành
NHÂN loại bao phen được biết đến
DÂN tộc ta rạng rỡ bởi tên Anh
VIỆT Bắc suối ngàn ngân khúc hát
NAM tử như anh – thật xứng danh.

TOÀN THỊ YÊN (Giáo viên trường THCS Tiên Hội, huyện  Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).
         

Đại tướng của Nước, của Dân

Tôi chưa một lần gặp Bác
Tôi là dân, thấy Bác rất gần
Bác là người Anh Cả của toàn quân
Trăm nỗi lo dồn lên vai Bác
Mọi cuộc hành quân đánh giặc
Áo mặc, cơm ăn,…
Chỗ nằm của đồng đội hy sinh...

Bác là người của Nước, của Dân
Của tất cả những con người khó nhọc
Của tất cả những ai có tình yêu Tổ quốc
Chẳng công thần cho danh vị cá nhân

Vẫn nụ cười tươi tỏa sáng trong ngần
Bác là người của Nước, của Dân
Triệu triệu tấm lòng ngưỡng mộ
Triệu triệu trái tim nức nở
Vĩnh biệt Người – Đại tướng nhân dân.

NGUYỄN VĂN TÔNG (282Đ Hoàng Liên, P. Kim Tân, TP. Lào Cai)


      Người mãi bên cạnh Bác Hồ

Không đến được tận nơi để tiễn biệt Người
Đặt một nhành hoa nơi Người yên nghỉ
Hàng triệu con tim đang hướng về nơi ấy
Vũng Chùa – Đảo Yến thân yêu!

Biển quê hương sóng vỗ sớm chiều
Dãy Hoành Sơn bồng bềnh mây trắng
Dòng sông Gianh trong xanh tĩnh lặng
Ru Người an giấc ngàn thu!

Từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau
Miền ngược, miền xuôi, trẻ già, trai gái,
Tiếc thương một tấm lòng Nhân ái
Vị Anh hùng, Đại tướng của lòng dân!

Một đời thanh cao không vướng chút bụi trần
Không kể công lao, không màng danh vọng
Sông núi tri ân nhân dân kính trọng
Mãi mãi ngàn năm Người bên cạnh Bác Hồ!
                                     
CAO XUÂN HIỆU (Đà Nẵng)


     Kính viếng Đại tướng

Văn, võ song toàn bậc vĩ nhân
Tiên tri, mưu sự tựa thánh nhân
Nhân từ đức độ xưa nay hiếm
Lưu danh muôn thuở rạng trời Nam.

TRẦN MỸ THÁM (Cựu chiến binh Quân  Đoàn 1,  Học viện Quân y)


Tưởng nhớ Võ Đại tướng

Người làm tướng trăm năm
Tạc tên tuổi ngàn chương sử sách
Thời đại xuất anh hùng!

Biết rằng “sinh, lão…” là quy luật
Mà triệu con tim thổn thức hoài
Phay Khắt âm vang vào lịch sử
Điện Biên chấn động tới tương lai.

Học trò của Bác, tròn trung hiếu
Anh Cả toàn quân, vẹn đức tài
Thế giới tôn vinh hàng dũng tướng
Quân kỳ thắm đỏ chẳng hề phai.

VŨ ĐÌNH ỨNG (Phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh)


Bồi hồi nhớ Ông

Trên đường công tác
Nghe tin Ông mất
Chợt nhớ đến quê Ông
Dòng Kiến Giang – Lệ Thủy
Lúc êm đềm lặng lẽ
Lúc dâng ngập tràn bờ
          Như ngày xưa
          Lúc Cậu Giáp được sinh…

          Hơn trăm năm
         Thời thế đã khác xa
        Nhưng ở quê Ông
     Không hề khác
  Vẫn vườn cây rợp mát
 Tỏa màu xanh ngát
Trước hiên nhà
          Nơi đây
          Đất Mẹ sinh ra Ông
            Trong một ngày lụt lội

          Rồi,
    Cuộc chinh chiến chông gai 
                               Theo Đảng, theo Bác Hồ
          Ông trở thành Đại tướng
                               Đánh bại hai đế quốc...

          Nếu không có chiến tranh
                           Ông sẽ là Nhà giáo
                                      (mà chắc là như thế?)
          Cả cuộc đời
        Ông luôn
       Mang theo
     Trong tim
     Kiến Giang
    Bóng hình 
   Quê nhà
Suốt chiều dài...

          Nhưng
        Nay 
              Ông mất
 Chưa kịp về thăm quê
          Ngày mai
        Ông về
       Kiến Giang – Lệ Thủy
     Để
Mãi mãi
Ông lại ở trong quê!

TIẾN HỒNG SƠN (Tổng Công ty Phát điện 1)


Kính viếng Đại tướng

Người vĩ đại là người thuộc về nhân dân
Những ánh mắt chạm nhau nhòe lệ
Những con tim thổn thức
Những con phố dài người nối hoa
Những đêm trắng chờ Người không ngủ.

Đường Hoàng Diệu lao xao
Bác đã đi...
      Và,
Để lại cho đời
Một Điện Biên oanh liệt hào hùng
Và, hoa ban trắng rừng biên giới
Những câu hát dân ca thắm đượm nghĩa tình.

Bác đã đi và để lại cho đời
Hà Nội – Huế – Thành phố Hồ  Chí Minh
Cho nước non mình thành một dải
Cho Bắc – Trung – Nam – cho cả địa cầu
Cho tự do, cho lẽ sống làm người...

Cho con về  với Vũng Chùa – Đảo Yến
Để nghe sóng biển hiền hoà
Để nghe tiếng kèn ra trận
Để nhớ về Đại tướng nhân dân!

Lê Huy Thức


Câu đối: Kính cẩn Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp

                THẾ GIỚI NGHIÊNG MÌNH DANH TƯỚNG VÕ
                NON SÔNG NGẢ BÓNG TIẾNG NHÂN VĂN

NGUYỄN ANH DŨNG (Giáo viên Toán đã nghỉ hưu)


Tổng hợp từ Internet.

3 nhận xét:

Nhật Minh nói...

Tớ rất thích mấy câu này của Phúc Kòy:
"Đại tướng về bên cạnh Bác rồi.
Triệu người thương nhớ Đại tướng ơi.
Rừng núi biển sông mang khăn trắng.
Nhật nguyệt cỏ cây đứng ngậm ngùi..."

Unknown nói...

Năm điểm đặc sắc nhất khiến Đại tướng Võ Nguyên Giáp khác với các tổng tư lệnh quân đội của các nước.
Thứ nhất: Tổng tư lệnh quân đội các nước được điều phụ trách quân đội khi đã có quân còn tướng Giáp khi được giao phụ trách quân đội khi chưa có quân nên vừa phải xây dựng lực lượng vừa chỉ huy quân đội chiến đấu.
Thứ hai: Tổng tư lệnh quân đội các nước thường học qua các học viện, trường quân sự còn tướng Giáp khi lãnh đạo quân đội chưa học qua trường lớp nào. Do đó, ông phải tự học để nâng cao trình độ cũng như nâng tầm cao của lực lượng quân đội.
Thứ ba: Đại tướng không chỉ là một nhà chỉ đạo chiến lược về quân sự mà còn là một nhà chỉ đạo tài ba về chiến dịch, chiến thuật.
Thứ tư: Đại tướng không chỉ có tài mà còn có đức. Ông được ví là vị tướng của hòa bình, vị tướng của nhân dân.
Thứ năm: Dù đại tướng đã rời bỏ chính trường từ lâu nhưng do tài năng và đức độ nên hàng năm đến dịp kỷ niệm sinh nhật, chiến thắng Điện Biên Phủ hay ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, hàng trăm đoàn khách đã đến ngôi nhà của đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu để thăm và chúc mừng đại tướng.
Hiếm có một nhà lãnh đạo nào sau khi không còn quyền lực mà người dân ngưỡng mộ đến vậy. Chính những điều này mà đại tướng không chỉ là một thiên tài quân sự lớn nhất trong thế kỷ 20 mà còn là một thiên tài quân sự lớn nhất của mọi thời đại.

Kim Thanh Tâm nói...

Những phút cuối cùng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Qua lời Đại tá Nguyễn Văn Nhựa, Đại tướng luôn lạc quan cho đến phút cuối cùng của cuộc đời. Ông nói rằng, trước quân thù như thế nào thì giờ cũng phải vượt qua bệnh tật như thế. "Những lúc Đại tướng bị đau, ông không kêu ca, thường nắm tay tôi rất chặt. Tôi biết lúc đó ông rất đau. Ông có một sự kiên trì đáng nể", bác sĩ nói.
Khi có người biếu thuốc, Đại tướng đều hỏi bác sĩ Nhựa là: "Tôi có thể dùng được thuốc này không?". Hoặc khi uống thuốc thấy có viên thuốc khác lạ so với bình thường, Đại tướng để lại cho đến khi hỏi ý kiến của bác sĩ riêng. Hơn nữa, Đại tướng rất tin tưởng vào Viện 108 và không có ý định đi điều trị ở nước ngoài.
Nói về tin đồn Đại tướng phải thở oxy một thời gian dài trước khi mất, bác sĩ Nhựa khẳng định, Đại tướng minh mẫn, nói chuyện được cho đến lúc hôn mê ít ngày và sau đó qua đời. "Tôi vẫn nói chuyện hằng ngày với Đại tướng. Nhưng chúng tôi hạn chế cho ông tiếp xúc, trừ những trường hợp đặc biệt", bác sĩ Nhựa nói thêm.
Cũng theo bác sĩ Nhựa, Đại tướng có chế độ sinh hoạt rất khoa học, sống giản dị, hài hòa. Hằng ngày, ông dậy sớm, đi bộ, tập thiền, sau đó ăn sáng và làm việc. Ăn và nghỉ trưa xong, ông thường làm việc tới 16h30. Ông ăn uống giản dị, theo thực đơn của phu nhân nhưng có sự tư vấn của bác sỹ. Ông thích món thịt kho trứng, khi vào Viện 108, thỉnh thoảng ông vẫn dùng món này.
"Đại tướng không ưu tư, suy nghĩ nhiều vào những việc không cần thiết. Những gì cần suy nghĩ, ông suy nghĩ rất thấu đáo sau khi đã nghĩ xong rồi thì bỏ ra khỏi đầu. Tâm hồn ông thanh thản", Đại tá Nguyễn Văn Nhựa nói thêm.
Theo báo Tiền Phong.