Chủ Nhật, 17 tháng 8, 2014

Cẩm Khê phát triển nông nghiệp cận đô thị

PTO – Tuy không phải là vùng có các đô thị, trung tâm công nghiệp nhưng với lợi thế về giao thông thuận tiện, những năm qua Cẩm Khê tập trung đầu tư phát triển nông nghiệp cận đô thị và đạt được những kết quả bước đầu tạo khối lượng sản phẩm hàng hóa vừa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vừa cung cấp cho thị trường đô thị, khu công nghiệp như thị xã Phú Thọ, Lâm Thao, Việt Trì, Thanh Ba...

Chăm sóc lúa mùa trên cánh đồng mẫu lớn khu vực đồng Láng Chương.

Để thực hiện chương trình này, năm 2013 huyện tập trung chỉ đạo triển khai 3 dự án theo nguồn vốn hỗ trợ của tỉnh là: Dự án phát triển nông nghiệp cận đô thị gắn với sản xuất rau an toàn, giai đoạn 2013 – 2015; Dự án phát triển nông nghiệp cận đô thị gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn, sản xuất lúa chất lượng cao và Dự án phát triển nông nghiệp cận đô thị gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất nấm giai đoạn 2013 – 2015.
Dự án phát triển nông nghiệp cận đô thị gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao triển khai từ vụ mùa năm 2013 tại 2 xã Tình Cương và Hiền Đa (trên khu vực đồng Láng Chương) với quy mô 120 ha/vụ, trong đó xã Tình Cương 70ha, xã Hiền Đa 50ha bước đầu đã hình thành vùng sản xuất lúa hàng hóa tập trung, từng bước thay đổi tư duy của người dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tập quán canh tác cũ. Người nông dân đã nắm bắt và áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất, trên nguyên tắc “3 cùng” (cùng trà, cùng giống và cùng phương pháp canh tác). Vụ mùa năm 2013 dự án đã đưa 2 bộ giống lúa thuần chất lượng cao Thơm RVT và Hương thơm số 1; vụ xuân năm 2014 tiếp tục sử dụng giống Hương thơm số 1; vụ mùa năm 2014 đưa giống lúa mới năng suất, chất lượng cao Thiên ưu 8 vào sản xuất trên toàn bộ diện tích 120ha vùng dự án. Đây là những giống lúa thuần có năng suất cao, chất lượng tốt, sinh trưởng nhanh, thay thế các giống lúa cũ, như Khang dân 18, Khang dân đột biến, Q5,... đang dần bị thoái hóa, có năng suất thấp, chất lượng gạo kém, dễ nhiễm sâu bệnh và chống chịu kém với các điều kiện bất thuận của thời tiết.
Trên cánh đồng mẫu lớn bát ngát màu xanh của lúa tại khu vực đồng Láng Chương, chị Đỗ Thị Xuân, khu 2, xã Hiền Đa cho biết: “Canh tác trên cánh đồng mẫu lớn, gia đình tôi có điều kiện đưa cơ giới vào sản xuất rất thuận lợi, cũng như đưa giống mới Thiêu ưu 8 vào gieo trồng trong vụ mùa này thay thế cho giống lúa kém năng suất trước đây, bước đầu giống lúa mới phát triển, sinh trưởng tốt, hứa hẹn những mùa lúa cho năng suất cao”. Theo cán bộ ngành nông nghiệp của huyện đánh giá: Dự án phát triển nông nghiệp cận đô thị gắn với xây dựng cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao đã chủ động về thủy lợi, tích cực đưa cơ giới vào sản xuất, giảm chi phí nhân công, giống, phân bón, cây lúa sinh trưởng tốt… Do đó, vụ xuân năm 2014 năng suất lúa đạt cao, bình quân 58 tạ/ha.
Bên cạnh đó, huyện Cẩm Khê đã triển khai thực hiện Dự án phát triển nông nghiệp cận đô thị gắn với sản xuất rau an toàn, trong đó Sai Nga là xã được chọn thực hiện dự án với quy mô 12ha, bắt đầu từ vụ đông năm 2013 đến hết vụ đông 2015. Mục tiêu của dự án nhằm tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng số lượng, chất lượng, mức độ an toàn và tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, góp phần tăng thu nhập và việc làm; đảm bảo sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái. Vụ đông năm 2013, dự án triển khai đến 199 hộ với diện tích 12ha thuộc 8 khu hành chính. Để nâng cao hiệu quả của dự án, huyện phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các lớp tập huấn về quy trình sản xuất rau an toàn, hướng dẫn quảng bá, giới thiệu sản phẩm,… xây dựng 4 mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, với quy mô 360m2/mô hình. Kết quả bước đầu, thu nhập bình quân mỗi sào cà chua đạt từ 18 – 20 triệu đồng, mỗi sào rau đạt từ 8 – 10 triệu đồng. Kết quả này đã tạo được sự tin tưởng cho người sử dụng, giá trị sản phẩm thu được cao hơn từ 20 – 30% so với sản phẩm được sản xuất theo phương thức cũ.
Đối với Dự án phát triển nông nghiệp cận đô thị gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất nấm giai đoạn 2013 – 2015 được triển khai tại xã Đồng Cam quy mô 1ha, huyện phối hợp với Viện Di truyền Việt Nam để chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng nấm cho người dân tham gia dự án và thu mua sản phẩm. Bước đầu mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân với thu nhập bình quân khoảng 4 – 6 triệu/sào, cao gấp 4 – 6 lần so với trồng các cây vụ đông khác như ngô, lạc, bí đỏ.
Có thể thấy các dự án phát triển nông nghiệp cận đô thị mở ra hướng đi mới trong công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của huyện Cẩm Khê, tác động tích cực đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo việc làm cho lao động nông thôn, tìm kiếm thị trường cho nông sản, góp phần nâng cao đời sống cho người dân, tích cực xây dựng nông thôn mới.

HUYỀN NGATheo: www.baophutho.vn

Không có nhận xét nào: