Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Hiệu quả sau dồn đổi ruộng đất ở Tình Cương

Tình Cương là địa phương được lựa chọn triển khai làm điểm về thực hiện dồn đổi, tích tụ và tập trung đất đai của huyện Cẩm Khê.


Trước dồn đổi, ruộng đất ở Tình Cương phân bố không đồng đều, manh mún, bình quân số thửa/ hộ cao, do vậy quá trình thâm canh, tăng vụ, nhất là áp dụng các tiến bộ KHKT, cơ giới hóa vào sản xuất gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, người dân chưa khai thác hết tiềm năng đất đai, chưa mạnh dạn trong đầu tư phát triển sản xuất với quy mô lớn.
Để triển khai, tổ chức thực hiện đồn đổi ruộng đất, xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của công tác dồn đổi ruộng đất đối với yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tại địa phương; phổ biến kế hoạch dồn đổi đất nông nghiệp của huyện, của xã đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân; lấy ý kiến tham gia đóng góp vào kế hoạch và phương án dồn đổi, đối chiếu diện tích; vận động nhân dân hiến đất làm kênh mương, làm đường giao thông nội đồng,... Đặc biệt, chính quyền xã đã phát động phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới gắn với dồn đổi ruộng đất trong nhân dân; trong đó lấy kết quả thực hiện phong trào là một trong các nội dung để đánh giá, phân loại tập thể và cá nhân năm 2017.
Nhờ thực hiện bài bản trên nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ nên việc dồn đổi ruộng đất ở Tình Cương diễn ra khá thuận lợi và đạt được nhiều kết quả tích cực. Sau khi thực hiện dồn đổi, số thửa giảm xuống còn 1.600, diện tích bình quân mỗi thửa tăng lên 816m2; có nhiều thửa đạt diện tích hơn 3.600m2. Đặc biệt sau dồn đổi, mặt bằng được san lấp theo thửa mới; người dân hiến đất làm đường giao thông nội đồng với chiều rộng đường trục 4m và sửa sang, quy hoạch lại hệ thống kênh mương dẫn nước rộng 1m và hầu hết các thửa đều tiếp giáp với kênh mương và đường nội đồng nên rất thuận tiện cho sản xuất.
Ông Trần Kim Hải, khu xóm Chùa, xã Tình Cương chia sẻ: “Ngày trước gia đình tôi có 11 thửa ruộng ở nhiều cánh đồng khác nhau nên việc đi lại canh tác, sản xuất mất nhiều thời gian; có khi phải làm cả đêm mới kịp mùa vụ bởi chủ yếu là làm thủ công. Sau khi thực hiện chủ trương đồn điền đổi thửa, ruộng đất tập trung ở 2 thửa, lại có các loại máy hỗ trợ nên sản xuất nông nghiệp rất thuận lợi, chi phí giảm, năng suất cao...”. Từ ngày hoàn thành dồn đổi ruộng đất lại được đầu tư hệ thống giao thông nội đồng, thủy lợi đảm bảo cho tưới tiêu, sản xuất đã tạo điều kiện để một số người dân trong xã phát triển các dịch vụ nông nghiệp như đầu tư mua sắm các loại máy làm đất, gặt đập liên hợp. Hiện toàn xã có 4, 5 chiếc máy cày, bừa hiện đại, 40 chiếc máy làm đất loại nhỏ và 3 chiếc máy gặt đập để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân. Cũng chính nhờ đưa cơ giới hóa vào sản xuất giúp giải phóng sức lao động, giảm chi phí, tăng năng suất, hướng tới hình thành cánh đồng 1 giống, mẫu lớn. Hiện năng suất lúa trung bình của địa phương tăng hơn so với trước và đạt gần 60 tạ/ ha. Giảm công lao động trong sản xuất nông nghiệp tạo điều kiện để người dân tranh thủ phát triển một số mô hình, làm thêm nghề phụ nhằm tăng thu nhập cho gia đình. 
Ông Nguyễn Khắc Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tình Cương cho biết: Xã tiếp tục khai thác lợi ích sau dồn đổi ruộng đất tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, trọng tâm là giống lúa chất lượng cao đã được triển khai tại một số khu trên địa bàn; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị gia tăng trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản...”.

LỆ OANH Theo: Báo Phú Thọ

Không có nhận xét nào: