Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Khi nhân dân đồng thuận

Những tuyến đường bê-tông rộng rãi, bằng phẳng ở khu Phiên Quận xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê được đưa vào sử dụng hơn một năm nay chấm dứt cảnh trẻ nhỏ trong khu những ngày mưa gió phải xắn quần, cầm dép trên tay, dò dẫm từng bước đến trường. Từ ngày làm lại những con đường bê tông rộng rãi, đảng viên Nguyễn Thị Lợi, 50 năm tuổi Đảng thấy vui hơn, bà bảo con đường mới đã làm thay đổi cả cuộc đời mình, đóng góp chút của, chút công với khu, việc ấy đáng kể gì.


Đồng tâm hiệp lực, 120 hộ dân, mỗi nhà đóng góp 500 ngàn đồng, người có nhiều ủng hộ nhiều, đảng viên đóng góp gấp đôi, những gia đình được vận động hiến đất, phá bờ rào, chặt bỏ cây cối để đường làng ngõ xóm được mở rộng thêm đều hoàn toàn tự nguyện. “ Lúc đầu chúng tôi nghĩ khó thực hiện được nhưng khi đưa ra họp dân, cơ bản người dân đều đồng thuận và hiến kế để làm đường. Đường làm xong, dân vui lắm, vào ngày mùa, lúa từ ngoài đồng chở thẳng vào tận sân”. – Ông Đỗ Văn Sơn, Bí thư chi bộ, trưởng khu Phiên Quận vui vẻ cho biết.
Cũng theo ông Sơn, các tuyến đường chính trong khu cơ bản đã đổ bê tông nhưng do trước đây làm đường hẹp, thấp không có hệ thống thoát nước nên vào mùa mưa hay bị ngập. Chi bộ đã bàn giải pháp mở rộng đường, xây dựng hệ thống thoát nước bằng huy động sức dân mà không xin sự hỗ trợ kinh phí của xã. “Toàn bộ kinh phí san ủi mặt bằng, mua bê tông về đổ chúng tôi đều huy động nhân dân trong khu đóng góp và vận động con em xa quê, những gia đình có điều kiện ủng hộ, qua đó cho thấy tiềm lực của dân rất lớn, khi đã thuận thì mọi việc đều thành công”. – Ông Sơn đúc kết.
Giống như nhiều địa phương khác, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, xã Tình Cương cũng gặp khó khăn trong việc bố trí kinh phí xây dựng hạ tầng vì nguồn ngân sách còn hạn hẹp. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trọng Phú, tổng nguồn vốn huy động cho chương trình xây dựng nông thôn mới của xã trên 77 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của nhân dân gần 2 tỷ đồng, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt và cá nhân tiến sỹ Nguyễn Đức Hưởng ủng hộ hơn 47 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn từ ngân sách của Nhà nước, tỉnh, huyện và xã. Ngoài nguồn vốn đóng góp, 152 hộ dân trong xã còn tham gia hiến hơn 5000m2 đất và tài sản trên đất, hơn 2.000m bờ rào và hàng trăm ngày công lao động. “Nếu không có sự đồng thuận của người dân trong việc chung tay xây dựng nông thôn mới, chặng đường về đích của xã khó đạt được kết quả như mong muốn”. – Chủ tịch UBND xã Tình Cương khẳng định.
Không riêng gì xã Tình Cương huy động nguồn lực trong dân để xây dựng nông thôn mới, hầu hết các xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đều có những cách làm phù hợp trong việc huy động nguồn lực trong dân, vận động con em xa quê và các doanh nghiệp đóng góp ủng hộ xây dựng nông thôn mới. Đường giao thông nông thôn ở khu Phiên Quận (xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê) thường xuyên ngập nước vào mùa mưa đã được người dân đồng thuận đóng góp đầu tư bê tông hóa, góp phần xây dựng NTM.
Công khai, minh bạch các khoản chi tiêu do dân đóng góp và ủng hộ, để người dân trực tiếp tham gia vào việc quản lý cũng như hạch toán các khoản đóng góp là cách mà xã Tình Cương đã làm trong việc sử dụng nguồn huy động của dân nên được dân tin tưởng và đồng tình ủng hộ. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Trọng Phú cho biết: Để người dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đóng góp công sức, tiền của vào thực hiện chương trình, chúng tôi luôn công khai, minh bạch các nguồn vốn của Nhà nước và nhân dân đóng góp. Việc xã hội hóa trong dân giao cho khu dân cư thu tiền tự hạch toán và giám sát thi công. Sau khi khu dân cư hoàn thành công trình, xã sẽ thông báo kết quả để khu khác học hỏi kinh nghiệm làm theo.
Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng” các địa phương đã, đang xây dựng nông thôn mới luôn áp dụng hiệu quả cách làm này. Với những cách làm hay trong huy động sức dân để lo cho dân đã góp phần không nhỏ trong việc đưa địa phương hoàn thành các tiêu chí, sớm cập đích nông thôn mới.

CHI HƯƠNG – Theo: Báo Phú Thọ.

Không có nhận xét nào: