Thứ Bảy, 7 tháng 3, 2015

Lễ hội đình Ba Nóc làng Hiền Đa

Trong 2 ngày 01 &  02 tháng 3 năm 2015 (tức ngày 11 & 12 tháng Giêng năm Ất Mùi, UBND xã Hiền Đa đã tiến hành tổ chức lễ hội đình Ba Nóc. Đây là lễ hội dân gian được tổ chức trong chương trình về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam năm Ất Mùi – 2015. Lễ hội đình Ba Nóc làng Hiền Đa hàng năm được tổ chức được tiến hành chu đáo đảm bảo trang trọng, tiết kiệm đúng theo nghi thức truyền thống và quy định của ngành văn hóa.


Lễ hội đình Ba Nóc còn gọi là lễ hội tắm ngựa làng Hiền Đa được tổ chức hàng năm nhằm tưởng niệm vị thành hoàng của làng là Hà Lang Đại Vương, một nhân vật lịch sử triều Trần (thế kỷ XIII), thuộc lớp nhân thần hộ quốc thời phong kiến tự chủ ở tỉnh Phú Thọ.
Theo cuốn ngọc phả gốc do Hàn Lâm Đông Các Đại học sỹ Nguyễn Bính soạn năm Hồng Phúc nguyên niên (1572) thì Hà Lang là người đã có công lãnh đạo nhân dân vùng Hoa Khê xưa (nay là huyện Cẩm Khê), giúp nhà Trần đánh đuổi quân Nguyên Mông. Giặc tan, Hà Lang được vua Trần ban cho đất ở quê hương là trang Hiền Đa – huyện Hoa Khê. Tương truyền, vào đầu tháng Giêng năm Đinh Tỵ, thế giặc quá mạnh, Hà Lang thất trận ở Phù Ninh và bị thương rất nặng ở cổ. ông đã cưỡi một con ngựa bạch vượt qua sông Hồng, qua làng Thu Tràng (tức làng Vực Trường, xã Vực Trường, huyện Tam Nông ngày nay), sang làng  Nội (xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba). Người đi đến đâu, máu rỏ đến đó. Khi đi đến quán nước nhỏ bên bến đò làng Nội, ông hỏi bà bán hàng nước rằng: Liệu ta có sống được không? Bà bán hàng nước thưa: Bẩm quan tướng công còn sống được! Sang đến bến chợ Gia thuộc làng Hiền Đa, ông mất nhiều máu, mặt thất sắc, phải dừng lại để nghỉ. Ông lại hỏi chủ quán nước chợ Gia: Thế này thì liệu ta còn sống được không? Bà chủ quán nhìn một hồi lâu rồi thưa: Bẩm vết thương của quan lớn phạm lắm, không sống được đâu! Quả nhiên Hà Lang về đến đầu làng Hiền Đa thì mất. Hôm ấy là ngày 12 tháng 9 (Âm lịch). Khi ông mất, dân làng đã thương xót dựng đình thờ, tôn làm phúc thần của làng. Ngôi đình làng Hiền Đa 3 nếp nhà ngói mái cong can vào nhau, nên thường được gọi là đình Ba Nóc. Các cụ còn tìm thợ rút con ngựa bằng mây sơn trắng có bánh xe kéo để đứng trong đình. Để tưởng nhớ Hà Lang tướng công và con ngựa bạch trung thành, hàng năm vào ngày 12 tháng Giêng, ngày sinh của thần, làng Hiền Đa tổ chức lễ cầu rất lớn, mở hội tắm ngựa  đặc sắc (dân làng Nội, làng Thu Tràng cũng lập đình thờ nơi mà tướng quân đi qua để lại vết máu. Do thờ chung một ông thần mà làng Hiền Đa, làng Nội và làng Thu Tràng đi lại với nhau rất gần gũi, gọi là làng Nghĩa Ngãi).
       Lễ hội đình Ba Nóc làng Hiền Đa là một trong những lễ hội rất nổi tiếng ở vùng Cẩm Khê xưa với câu ca còn lưu truyền trong nhân dân: “Chương Xá chọi gà, Hiền Đa tắm ngựa”. Cứ đến ngày 12 tháng Giêng, làng Hiền Đa lại tưng bừng vào hội. Về dự lễ hội đình Ba Nóc làng Hiền Đa năm nay có các vị trong Ban Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện, cán bộ lãnh đạo xã Hiền Đa cùng toàn thể nhân dân, con em xa quê có mặt đông đủ.
Tại buổi khai mạc lễ hội đình Ba Nóc ông Đỗ Xuân Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện đã phát biểu ý kiến chỉ đạo tập trung làm tốt công tác tổ chức, đảm bảo theo đúng quy định của Nhà nước và truyền thống của địa phương, đồng thời cảm ơn sự đóng góp ủng hộ quý báu của nhân dân, con em xa quê và du khách thập phương.
Trong 2 ngày diễn ra lễ hội các hoạt động đã được tổ chức gồm có hoạt động đón lễ của các dòng họ, toàn thể nhân dân; tổ chức chương trình nghệ thuật; tiến hành rước kiệu, rước ngựa quanh làng Hiền Đa, tế lễ dâng hương và tổ chức các trò chơi dân gian như: chọi gà, cờ tướng. Các hoạt động đều được tổ chức đảm bảo an toàn, lành mạnh, tiết kiệm. công tác tuyên truyền, đưa tin, trang trí khánh tiết đảm bảo trang trọng; việc sắp xếp, bố trí tại di tích cũng được Ban Tổ chức chỉ đạo thực hiện chu đáo đúng yêu cầu đề ra; công tác an ninh trật tự được triển khai đảm bảo an toàn, không xảy ra tắc nghẽn giao thông, không có hiện tượng lợi dụng các hoạt động vui chơi để đánh bạc dưới mọi hình thức; vệ sinh mội trường trong và ngoài lễ hội cũng đảm bảo. Ban Tổ chức đã huy động và phối hợp với các lực lượng của xã như Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Công an xã và khu dân cư tham gia tích cực để lễ hội diễn ra thành công.
Đây là hoạt động văn hóa tiêu biểu và có ý nghĩa thiết thực của địa phương nhằm góp phần thực hiện thành công Chương trình hành động của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển nền văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, bảo tồn tôn vinh và quảng bá các giá trị di sản văn hóa trên quê hương đất Tổ, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và của nhân dân góp phần phát triển di sản văn hóa trở thành sản phẩm đặc chưng của huyện.

THÀNH CÔNG

Không có nhận xét nào: