Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

Hiệu quả bước đầu từ lò đốt rác thải mini ở nông thôn

Hiện nay, ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn huyện Cẩm Khê đang ở mức báo động, trở thành nỗi bức xúc của người dân và xã hội.


Tiêu chí môi trường là một trong những tiêu chí quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Do vậy, xã Sai Nga và xã Tình Cương, huyện Cẩm Khê là 2 xã đi đầu tiên phong trong việc xây dựng và đưa vào sử dụng lò xử lý rác thải sinh hoạt cỡ nhỏ (mini), bước đầu đã mang lại hiệu quả. Qua một thời gian hoạt động, có thể nói việc triển khai xây dựng lò đốt rác mini của 2 xã Sai Nga và Tình Cương là một kinh nghiệm hay để các xã khác trên địa bàn huyện học tập và làm theo, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần hoàn thành tiêu chí “đẹp” của các xã trong xây dựng nông thôn mới.
Là 2 xã đồng bằng của huyện, đời sống người dân phát triển khá, lượng rác thải sinh hoạt ra môi trường tương đối lớn. Lượng rác thải phần lớn được chôn lấp thông thường tại hộ gia đình hoặc đổ ra lề đường, kênh mương,... gây ô nhiễm môi trường. Việc này làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân và làm mất mỹ quan xóm làng, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nước, gây ô nhiễm môi trường. Thực hiện công tác bảo vệ môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới, chính quyền 2 xã Sai Nga và Tình Cương đã triển khai sâu rộng trong nhân dân về công tác vệ sinh môi trường. Đến nay, cả 2 xã đã xây dựng được hơn 400 lò đốt rác thải sinh hoạt gia đình đặt dọc các tuyến đường chính thuộc các thôn xóm trên địa bàn.
Ông Trần Văn Thảo, Chủ tịch UBND xã Sai Nga cho biết: “Việc áp dụng mô hình này đơn giản, dễ thực hiện, giải quyết tại chỗ rác thải sinh hoạt của các hộ gia đình, không tốn diện tích và hạn chế gây ô nhiễm, do không còn tình trạng rác bị vứt bừa bãi. Lò đốt rác loại nhỏ rất phù hợp với vùng nông thôn, tạo ý thức, thói quen phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại chỗ cho người dân ở nông thôn”.
Theo thiết kế, lò được xây dựng với chiều cao 1,2m, ngăn đốt rác rộng chừng 1m, từ đáy cách mặt đất khoảng 30cm xây gờ để gác tấm lưới bằng thép làm cửa lấy tro và phía trên có nắp tôn đậy tránh mưa… Rác thải được phân loại kỹ lưỡng, loại nào đốt được sẽ cho vào đầy lò để đốt. Người dân dùng một ít củi hoặc lá khô dưới tấm lưới sắt, khi châm lửa đốt, rác sẽ cháy hết trong vòng 10 – 15 phút. Lò đốt mini rất tiện và đảm bảo môi trường sống của bà con và người già, trẻ em đều có thể tự làm sạch cho gia đình mình, hàng xóm mà không cần nhiều thời gian và công sức.
Giờ đây, khi về Sai Nga và Tình Cương, dọc theo các tuyến đường giao thông các ngõ xóm ở các khu dân cư được làm bằng bê tông sạch sẽ, rộng rãi là những lò đốt rác mini được sắp xếp ngăn nắp. Theo nhiều người dân ở đây thì trước kia dọc đường, ngõ xóm thường xuất hiện những bãi rác nhỏ tự phát do người dân tự ý vứt rác ra đường. Bây giờ, rác thải được phân loại, sau đó bỏ vào lò từ 1 – 3 ngày sẽ đốt một lần, nhờ vậy mà tình trạng vứt rác xuống bờ mương được khắc phục.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình lò đốt rác thải gia đình trên địa bàn 2 xã, bà Trần Thị Thu Hưởng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Khê cho biết: “Sau gần 1 năm đưa mô hình mô hình lò đốt rác gia đình vào sử dụng đã bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Đây là lò sử dụng công nghệ đốt rác liên tục bằng không khí tự nhiên (rác đốt rác), không cần dùng nhiên liệu; có thể đốt rác tươi với độ ẩm trên 40%, tỷ lệ đốt đạt đến 90%, nên tiết kiệm chi phí vận hành và giảm thời gian lưu chứa rác. Việc xây dựng những lò đốt rác này không chỉ nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ môi trường, mà còn góp phần giúp xã hoàn thiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới”.
Bà Nguyễn Thị Chí, Khu 10 xã Sai Nga, chia sẻ: “Mỗi ngày đi chợ về, tôi tính có 4 – 5 túi nilon đựng thức ăn, trước đây cứ tiện tay vứt ra vườn. Gia đình cũng gom lại rồi đào hố chôn lấp trong vườn nhưng chưa thấy ổn. Bây giờ, có lò nên sau khi đốt rác xong, tôi có thể tận dụng lượng tro để ủ làm phân bón cho cây trồng”.
Còn ông Nguyễn Văn Hưng, ở Khu Xóm Chùa, xã Tình Cương, phấn khởi nói: “Cứ cách 1 – 2 ngày, gia đình tôi đốt rác 1 lần. Có nắp đậy là tấm tôn nên nước không thể lọt vào, nhờ vậy mùa nắng hay mưa lò vẫn sử dụng được. Từ ngày làm được mô hình này thì nhà cửa sạch sẽ, tro, bụi đốt rác và đồ thải từ rau, củ, quả, được bỏ vào hố nhỏ gần đó ủ thành phân bón sử dụng trong trồng trọt”.
Việc sử dụng các lò đốt rác thải cỡ nhỏ với chi phí thấp, dễ thực hiện lại có tính ứng dụng cao là một giải pháp tình thế khá hiệu quả, đặc biệt đối với vấn đề rác thải cho vùng nông thôn. Tuy nhiên, phải qua thời gian mới đánh giá được kết quả và tính phù hợp với mỗi địa phương để xem xét nên hay không việc mở rộng mô hình này. Công nghệ của các lò đốt rác này còn rất thô sơ, việc xử lý chất thải phân tán, khó kiểm soát việc phát thải ô nhiễm thứ cấp vào môi trường không khí. Do hạn chế vốn đầu tư, việc hạ nhiệt độ của các lò đốt cỡ nhỏ không kiểm soát được tốt, không có bộ phận hấp phụ nên nguy cơ phát thải dioxin không chủ ý cao. Việc khí thải có chứa dioxin, nước thải nhiễm dioxin xả trực tiếp ra môi trường có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ của người và các loài sinh vật, nguy cơ ô nhiễm đất, nguồn nước... Muốn giảm nguy cơ phát thải khí độc hại vào môi trường, công nghệ đốt phải tuân thủ chặt chẽ từ khâu phân loại rác đến việc đảm bảo nhiệt độ đốt, hệ thống xử lý khí thải tốt.

HỒNG HIÊN

Không có nhận xét nào: