Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Mong manh quá tiếng: "Bầm ơi!"

Mỗi lần về quê lại thấy các bà Mẹ được gọi là Bầm thưa thớt dần đi, vắng dần các khuôn mặt thân quen trên đường quê nhà. Thế rồi, cái tiếng Bầm thân thương bao đời “đặc sản” của nhiều người Phú Thọ gọi người đẻ ra mình là Bầm như sắp hết thời, chắc chẳng còn bao xa nữa. Thời gian chắc cũng phủ lên cái tiếng Bầm đưa vào quá khứ xa xăm.

Bầm tôi – Ảnh minh họa.
Chẳng thể nào ngăn nổi trên đất Phú Thọ quê nhà cái tiếng của các con gọi người dứt ruột đẻ ra là “Mẹ ơi!” đầy da diết, thiêng liêng. Con gọi Mẹ thay cho tiếng Bầm, nó cứ đến từng nhà, từng đứa con như đương nhiên phải thế, bất kể ở phố thị hay ruộng đồng. Các con của con cũng chẳng truyền thống nữa đâu, cứ Mẹ của nó, nó gọi là Mẹ thôi. Nó thấy bố mẹ nó gọi Bầm là Bầm nó cũng không hiểu. Giảng giải thì nó ưu tiên không gọi bà nội, mà tíu tít gọi là “bà Bầm”. Thế cũng đủ làm Bầm cười vui, rơi cả hàm răng giả.
Chẳng biết tiếng Bầm của vùng Phú Thọ có tự thuở nào. Chắc xưa, xưa lắm. Cứ là lạ, gọi Bầm xưng “Em” với Bầm như vậy, Bầm lại gọi mình là con, nó vừa quê quê mà “đặc sản” thân thương. Loanh quanh sau lũy tre làng, khi lớn lên đi ra ngoài thấy cả môt thế giới văn minh khác mà không sửa được.
Ngày rời quê đi ra Thủ đô học thêm 5 năm chương trình sau khi tốt nghiệp kiểu THPT, cũng phải thi với các thí sinh khác mới có giấy báo được đỗ. Cả nhà mừng, dịp dẫn mấy bạn nam nữ sinh viên về quê chơi cũng định văn minh “gọi Mẹ xưng Con” cho nó có vẻ phố thị, tân tiến. Nhưng khổ nỗi, được vài phút đầu, sau đó bản năng của dân gốc trung du cọ sắn trỗi dậy, vẫn “gọi Bầm xưng Em” làm bọn tỉnh thành kia vô cùng lạ lẫm. Đấy là chưa kể đi thuyền lại nói là “thuền”, lên huyện lại nói chỉ có “huện”, chả có y-cờ-lét gì cả,... Làm mấy gái xinh Thủ đô trố mắt bảo: “Anh ngắn lưỡi à!”,... vuột cả cơ hội cô ấy cho lưỡi cảm quan lưỡi giai của Bầm, phải để Bầm tốn công kiếm sim mua, cọ ỏm, canh dưa sắn, cháo sắn nấu trai đồng,... đãi khách. Đấy là chưa kể “đặc sản” quê Bầm có nhiều con “dĩn” bé li ti, cứ ngửi thấy da thịt thơm tho, lạ người của gái xinh Thành phố, là nó thích chí làm vài chích. Thế là, chân tay các em nổi tịt lên vừa ngứa, vừa đau trên làn da trắng hồng, quá xót cho các em thương.
Cái tiếng Bầm ngàn đời ở quê Phú Thọ ấy, bỗng có ngày được vụt sáng lên, kéo rộng đến nhiều nơi biết, nhờ cái hồi chín năm, có ông nhà thơ cùng đoàn thể văn nghệ sơ tán đến nhà bà Nguyễn Thị Gái ở xóm Gốc Gạo, xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ mình. Theo dã sử văn học thì bà Bầm Gái có con đi bộ đội, bà nhường nhà trên cho các nhà thơ sơ tán ấy, còn mình thì ngủ dưới bếp. Đêm nhớ thương con nên Bầm Gái thút thít nỉ non, mấy ông kia không ngủ được, khi rõ nguồn cơn để “một công đôi việc”, họ cử ông “lá cờ đầu của Thi ca Cách mạng” làm ra bài thơ “Bầm ơi!”, rồi đọc cho Bầm Gái nghe. Lại còn nói, con trai Bầm viết cho Bầm đấy! Bầm Gái tin là thật, vui vẻ, yên tâm,... Từ đó, hàng ngày gà đồi, sắn luộc, chè xanh,... thắm thiết tình “cá nước”. Giản dị như vậy, nhưng không ngờ sức lan tỏa của “Bầm ơi!” đến khắp mặt trận và ngoài Phú Thọ. Đến nỗi sau này đưa cả vào sách giáo khoa, nền nhà cũ Bầm Gái mấy chục năm sau cũng được dựng bia đá ở xóm Gốc Gạo.
Trong đời làm thơ của ông ấy, còn một số bài về người mẹ như: Bà Mẹ Việt Bắc, Bà Má Hậu Giang, Mẹ Tơm, Mẹ Suốt,... những bài đấy cũng hay, nhưng có tiếng binh khí, chiến trường, lời tuyên huấn. Riêng bài “Bầm ơi!” có tình cảm hơn cả, thật hơn cả, hồn hậu, khoai sắn quê nhà, lời thơ có gì đó phảng phất ca dao, dân ca. Vì thế nên nhiều bà Bầm trước đây, dù biết chữ hay không, rất nhiều Bầm thuộc, cũng dù vài câu truyền khẩu: “Bầm ơi có rét không bầm/ Heo heo gió núi lâm thâm mưa phùn/ Bầm ra ruộng cấy bầm run/ Chân lội xuống bùn tay cấy mạ non...”
Phải nói phần đông người Phú Thọ thế hệ trước thích bài Bầm này, ngoài cái vần điệu ra, bài này có nói đến chi tiết “yêu quý con như đẻ con ra”. Thơ phải có “đẻ” mà đẻ con ra mới là thơ hay. Nói đến đẻ lại phải công nhận rằng các Bầm ở Phú Thọ ngày trước mắn thật. Chả biết các bà ấy ăn uống, hoạt động theo cơ chế nào mà đẻ năm, sáu, bảy, tám, chín,... đứa con hoặc hơn là bình thường. Bầm của mình cũng đẻ nhiều con như những người Bầm ấy, cũng nhuộm răng đen, vấn tóc, đội khăn như cái vành ở trên đầu. Các con của Bầm, anh em lớn lên mỗi con có gia đình, công việc riêng.
Thời gian trôi đi, Bầm cũng già theo năm tháng. Nhưng có một chuyện, nhiều khi lớn tuổi lặng sâu nghĩ đến thật không tả nổi cảm xúc. Nhất là đợt Bầm vào viện, có dịp báo hiếu lau người cho bầm, nhìn lại bầu vú của Bầm thấy hai đầu vú (ti) bằng đầu ngón tay nó toét ra, mỗi đầu ti có mấy nhánh như hạt đỗ con hồng hồng bám vào. Thấy là lạ, nhưng cũng không nói gì, nói lạ vì ngoài bầu ti của Bầm ra và mẹ của ba đứa con mình đâu có biết của nhiều ai nữa đâu (biết thêm cũng chỉ là tượng các cô, được các nhà điêu khắc đẽo đá tạc ra khi có dịp xem triển lãm), thì thấy hai đầu ti ấy cũng bằng đầu ngón tay, nhưng không toét ra có nhánh như Bầm.
Về sau mới hỏi, sao đầu bú của Bầm lại toét tòe loe như hoa thế, Bầm mới nói: Do hồi bé các con bú sữa, lúc mọc răng nó ngứa nó nhay, rồi chỉ bổ dưỡng được cho con bằng sữa mẹ ngoài bột và nước cơm, nên con trẻ nó thèm sữa mẹ, nó đói nên cho bú là nó ngậm, nó mút, nó nhay,... Thời ấy làm gì có Vi-na-miu, nên con cứ bú mẹ đến khi bầu vú trở nên bèo nhèo, lẽo nhẽo, hết sữa gọi là bú reo. Răng các con nghiến ngấu thay phiên nhau, đằng đẵng gần hai mươi năm trời, từ đứa đầu đến đứa út, thì nó chả toét ra chứ làm sao mà giữ được. Hiểu ra đôi vú mẹ, sau có đứa con nào có lúc nào đấy cãi Bầm thì...(!). Rồi cũng có lúc, nhìn thấy các người anh em ấy ăn nhậu, rượu thịt xương qua hàm răng điển hình kia mà bất chợt liên tưởng đến hai cái đầu nhỏ xíu sau lớp áo của Bầm, thì ôi trời...
Nhưng cái tiếng BẦM đấy được viết ra, rồi nhìn vào mới thấy cái KỲ DIỆU riêng. Hãy nhìn vào chữ BẦM để khám phá, có 3 chữ cái B, A, M ghép vào nhau kết cấu như kiềng ba chân, thế giác cân vô cùng vững chắc. Ở giữa trên chữ A có dấu ớ ^, như cái nón, cái ô che mưa nắng cho con, cái dấu huyền vắt ngang trên đầu, ở dưới ngước nhìn lên như bầu trời bình yên, như nói có lúc nào yếu lòng thì về đây với Bầm. 
Xứng đáng là chữ BỐ, cùng dấu ớ che chở, nhưng có cái dấu sắc. Dấu sắc như người bố chỉ dẫn các con hướng ra ngoài tiến lên phía trước với đời. Muốn sống được phải sắc sảo với đời, với xã hội bên ngoài cánh cửa của gia đình. Vô cùng cảm ơn tri ân các nhà truyền giáo từ mấy trăm năm qua đã sang tạo chữ quốc ngữ: Cha Đắc Lộ, Cha Bá Đa Lộc, Cha cố Từ,... để viết được chữ BẦM, BỐ.
Tiếng Bầm ơi!, Bố ơi!, còn huyền diệu khi âm thanh được phát ra. Mỗi người cứ tự chiêm nghiệm. Khi gọi lên tiếng “BỐ ƠI!” khí can đảm từ trong lồng ngực, với cái miệng ót tròn vào đẩy mạnh hơi ra trước hướng ngoại như mũi dùi xuyên đi ra xã hội. Còn khi gọi lên tiếng “BẦM ƠI!” theo bản năng cái miệng sẽ đẩy vòm họng trên lên hấp thụ dưỡng khí thiên nhiên, nơi nước miếng tạo ra gluco, hơi được đẩy vào như hướng nội ngọt ngào trong khoảnh khắc mát rượi, nhất là lúc sa cơ cũng như chiến thắng. Gọi “Bầm ơi!”, gọi “Bố ơi!”, nhất là “Bầm ơi!” kết hợp với há mồm ra ăn sắn, ăn cọ cũng tạo khẩu hình mồm cho gái Phú Thọ nó đẹp ra. Đa phần là mồm đẹp, môi có hơi giống trái tim, tình tứ có đáo để.
Ấy vậy vẫn hơn con gái Lục Ngạn, Hưng Yên gặm vải, gặm nhãn nhiều nên răng chìa ra trước, mồm nhiều cô nhòn nhọn chua ngoa. Công nhận các Bầm ở Phú Thọ đẻ ra nhiều cô đẹp nết, đẹp người, giai ngoài thấy “gái Phú Thọ xinh như cây cọ” nên nhiều chàng rể cũng gọi Mẹ là Bầm đấy. 
Các Bầm ít ỏi còn lại trên đất Phú Thọ ơi! Các con, các cháu đang từ từ thay tiếng gọi Mẹ cho tiếng gọi Bầm đây. Cấc Bầm thấy sao không? Cả khăn đội đầu, răng đen nữa cho phù hợp, vì tiếng Mẹ là toàn xã hội rồi. Tiếng Mẹ bắt đầu bằng chữ M, chẳng hiểu sao mà các quốc gia trên thế giới khi họ viết chữ Mẹ của họ phải đến ba phần tư là có chữ M, đó chẳng phải sự vĩ đại của các người Mẹ hay sao. 
Các Bầm ở Phú Thọ ơi! Vui cho con cháu đời sau gọi người đẻ ra nó là Mẹ nhé! Bầm nhé!
Tái bút: Nếu được, sẽ dựng chữ Bầm thật to, chỉ chữ BẦM. Địa điểm ở Thị xã Phú thọ một chữ chỗ cầu Trắng. Bên Cẩm Khê ở đình gò Chò. Gò này vùng giữa phong thủy trông như bụng bà bầu. Bên huyện Thanh Ba, Vũ Ẻn cũng thấy được. Hạ Hòa cũng chữ Bầm, chỗ bài thơ ra đời ngày trước. Và rồi, huyện nào cũng có chữ BẦM thật to ở nơi xứng đáng.
Mình sung sướng vì đang có Bầm để gọi “Bầm ơi!”, nghĩ mà thương nhớ ông già năm nay đã hơn 40 năm xa cách. 
Các Bầm ở Phú Thọ còn lại không nhiều lắm ơi! Chỉ mong các Bầm vui khỏe sống lâu, để các người con nào gọi mẹ bằng Bầm được tiếp tục gọi “BẦM ƠI!” 
Viết cho các Bầm.

Thành phố Hồ Chí Minh, 19-3-2017.
NGUYỄN VĂN THÙY

Không có nhận xét nào: